09:08 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 1, các địa phương sẵn sàng ứng phó

Minh Đức | 14:23 30/06/2022

(THPL) - Sáng nay 30/6, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 năm 2022 và có tên quốc tế là CHABA.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 30/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 01/7, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 02/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Nguồn: KTTV

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km và cường độ có xu hướng suy yếu dần.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 01 nên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Trước đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Minh Đức

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu