15:34 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Phú Thọ: Sập nhịp cầu Phong Châu

14:18 09/09/2024

(THPL) - Sáng ngày 9/9, cầu Phong Châu nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã bị sập. Đến 12 giờ trưa nay, các cơ quan chức năng chưa xác định được số phương tiện và người rơi xuống sông ở thời điểm sập cầu Phong Châu.

Sập nhịp cầu Phong Châu (Phú Thọ)

Theo lãnh đạo UBND huyện Tam Nông, vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng 9/9, UBND huyện Tam Nông tiếp nhận thông tin về việc nước lũ dâng cao, chảy xiết đã cuốn sập cầu Phong Châu. Ngay lập tức các cơ quan chức năng đã đến hiện trường nắm bắt tình hình và triển khai các nhiệm vụ. Mức độ thiệt hại hiện đang được các lực lượng chức năng tiến hành xác định và có báo cáo cụ thể.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin vụ việc, đã yêu cầu sở báo cáo gấp. Hiện các đơn vị chức năng đang xử lý khẩn cấp.

Cầu Phong Châu, Phú Thọ bị sập sáng nay 9/9. Ảnh: Internet

Ngay sau sự cố sập cầu, công an tỉnh Phú Thọ đã có thông báo phương án phân luồng giao thông. Cụ thể, người dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì có thể lựa chọn các tuyến đường để di chuyển như sau:

Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi đường Hồ Chí Minh qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi cầu Trung Hà đi Hà Nội đi cầu Văn Lang đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ hướng Lâm Thao đi Tam Nông, theo chiều ngược lại.

Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang đi Hà Nội, Vĩnh Phúc. Hoặc đi theo tuyến quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995. Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Đến tháng 9/2019, Phú Thọ ra lệnh cấm các phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên qua cầu này.

Sạt lở hàng loạt tuyến quốc lộ tại Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Thanh Hóa

Công ty cổ phần Đường bộ 226 (Điện Biên) cho biết, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống giao thông trên tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 12, Quốc lộ 279 và Quốc lộ 279b xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

Tại tỉnh Lai Châu, vào khoảng 2h ngày 9/9, tại Km 85+700 Quốc lộ 4D (gần điểm du lịch cầu kính Rồng Mây), một lượng đất đá lớn từ trên ta luy sạt lở xuống đường, các phương tiện không thể lưu thông, hiện các cơ quan chức năng đang phối hợp đang xử lý.

Tại Km 218+80 trên tuyến Quốc lộ 4H, từ xã Mù Cả, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đi huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) vẫn tắc đường hoàn toàn do khối lượng rất lớn đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường.

Sạt lở trên Quốc lộ 4H, Lai Châu và Điện Biên bị chia cắt hoàn toàn. Ảnh: báo Công lý

Theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Lào Cai, trong đêm 8/9, trên Quốc lộ 279 xuất hiện 2 điểm sạt lở lớn tại Km 124+100, đoạn qua xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn) và tại Km 79+200, đoạn thuộc địa phận bản Bông 1, 2 (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên). Hiện nay, đơn vị quản lý bảo trì đường bộ đã căng dây, lắp đặt rào chắn, cấm đường đảm bảo an toàn giao thông.

Rạng sáng 9/9, trên tuyến Quốc lộ 3B đoạn qua đèo Áng Toòng (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) xảy ra sạt lở đá gây chia cắt cục bộ, nhiều phương tiện bị đá rơi trúng, hư hỏng. Thời điểm trên, hàng trăm mét khối đá từ taluy dương cùng cây cối bất ngờ sạt xuống, vùi lấp hoàn toàn mặt đường. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người. Hiện Quốc lộ 3B nối từ TP. Bắc Kạn đến huyện Na Rì đang bị chia cắt, ách tắc cục bộ.

Còn tại Thanh Hóa, đoạn tuyến từ Km 88+750-Km 88+810 Quốc lộ 15C thuộc địa phận xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) đã bị sụt lún 2/3 mặt đường (phía phải tuyến), chiều sâu khoảng 3 m với chiều dài khoảng 60 m, đồng thời tiếp tục có hiện tượng lún sụt toàn bộ nền mặt đường gây nguy cơ cao đứt đường.

Lũ khẩn cấp trên các sông ở Yên Bái, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên...

Sáng nay 9/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có tin lũ khẩn cấp trên các sông ở Yên Bái, Bắc Giang và một số tỉnh ở miền Bắc. Cụ thể, tại Yên Bái, lúc 7 giờ, mực nước sông Thao (sông Hồng) đang trên báo động 3 là 1,69m. Tại Bắc Giang, mực nước sông Lục Nam trên báo động 3 là 0,4m. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Lục Nam sẽ đạt đỉnh ở mức 6,8m, trên báo động 3 là 0,5m.

Lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ tiếp tục lên chậm. Đỉnh lũ sông Thao tại Yên bái sẽ trên báo động 3 là 2m vào chiều nay, sau đó giảm. Lũ trên sông Lô ở Tuyên Quang đang tiếp tục lên nhanh. Lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Thái Bình tiếp tục lên.

Từ nay đến 11/9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.

Nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị ngập sâu. Ảnh: CTTĐT Bắc Giang

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo lũ khẩn cấp: “Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa".

Hiện nay, các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai... đang triển khai các biện pháp ứng phó lũ, ngập lụt; sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt, trũng thấp bị ảnh hưởng do lũ; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước.

Tại Thái Nguyên từ đêm qua đến sáng nay, nước lũ dâng cao, gây ngập sâu tại một số nơi ở cả ba TP Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình… Nhiều hộ dân đang bị ngập sâu, đã và đang được lực lượng chức năng hỗ trợ di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bão số 3 Yagi làm 26 người chết và 247 người bị thương

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 9/9/2024 đã có 26 người chết, mất tích do bào số 3 (bão Yagi) gây ra. Trong đó do bão 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 05 người. Cụ thể, Lào Cai (6 người), Quảng Ninh (6 người), Hải Phòng (2 người), Hải Dương (1 người), Hà Nội (1 người), Hoà Bình (4 người), Yên Bái (1 người), Lạng Sơn (2 người), Bắc Giang (1 người), Tuyên Quang (2 người).

Số người bị thương là 247 người. Trong đó, Quảng Ninh (157 người), Hải Phòng (40 người), Hải Dương (5 người), Hà Nội (10 người), Bắc Giang (4 người), Bắc Ninh (7 người), Lạng Sơn (9 người), Lào Cai (9 người), Cao Bằng (1 người), Phú Thọ (2 người), Hoà Bình (1 người), Thanh Hoá (2 người).

Bão số 3 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Thiệt hại về nông nghiệp do mưa bão gây ra là 113.593 ha lúa bị ngập úng. Tập trung tại Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha,...); 

Bên cạnh đó, 22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 1.600ha; Nam Định 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.293ha; Hải Dương 2.900ha; Hoà Bình 4.193ha, Lạng Sơn 1.136ha...); Ngoài ra, có 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại (tăng 1.860ha so với báo cáo ngày 07/9) (tập trung tại Hải Phòng 1.650ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 900ha, Nghệ An 798ha,...).

Trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...). 79 con gia súc bị chết, 190.131 con gia cầm (tập trung ở Hải Dương 186.000 gia cầm).

Bão Yagi cũng khiến 121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860,...).

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu