07:13 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên vẫn trượt đại học năm 2021

11:33 20/09/2021

(THPL) - Tối ngày 19/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết cả nước có 61 thí sinh đạt tổng 29,5 điểm xét tuyển trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào.

Trong đó, 60 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, một em đặt hai nguyện vọng. Việc đặt quá ít nguyện vọng khiến các em không có nhiều cơ hội xét tuyển dù tổng điểm cao.

Theo báo VTC News, số thí sinh đạt từ 29,5 điểm nhưng không đỗ nguyện vọng nào ở từng trường như sau:

Học viện Chính trị Công an nhân dân có 50 thí sinh 29,5 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Nguyên nhân, điểm chuẩn vào trường cao nhất là 30,34. Trường chỉ lấy 50 chỉ tiêu nhưng 800 thí sinh đăng ký.

Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) hai ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao (30,5 điểm) và Lịch sử chất lượng cao (29,75 điểm) điểm trên mức 29,5. Mỗi ngành chỉ tuyển 15 sinh viên và có chế độ ưu đãi đặc biệt của tỉnh. Chỉ tiêu ít, số thí sinh đăng ký nhiều, khiến điểm xét tuyển đẩy lên cao.

Ngoại trừ các ngành học thuộc khối trường công an, quân đội do cách tính điểm xét tuyển đặc thù, cả nước với 5 ngành học lấy điểm chuẩn từ 29,5 trở lên. Ngoài hai ngành của Đại học Hồng Đức, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội có 2 ngành, gồm Đông Phương học (29,8 điểm khối C00) và Hàn Quốc học (30 điểm khối C00); Đại học Ngoại thương 1 ngành là Ngôn ngữ Trung Quốc (39,35/40, tiếng Trung hệ số 2).

Các ngành này thí sinh đạt 29,5 trở lên nhưng vẫn trượt. Tuy nhiên, những em này trúng tuyển nguyện vọng khác. Tổng số thí sinh trúng nguyện vọng khác là 69.

Nguồn: VTC News

Theo báo VnExpress, trước đó ngày 15-16/9, hơn 200 đại học công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. So với năm ngoái, điểm chuẩn tăng mạnh, phổ biến 1-3, nhiều trường tăng 5-10. Nhiều thí sinh đạt 27 điểm nhưng vẫn trượt cả chục nguyện vọng do điểm nhiều trường trong cùng khối ngành sàn sàn nhau.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng "rất đáng tiếc" cho những thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. Ông Sơn lý giải, 3 nguyên nhân chính dẫn đến tăng điểm chuẩn năm nay là: Điểm bài thi tiếng Anh tăng và cho rằng điều này là hợp lý. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển tăng mạnh. Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, do số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học đại học tăng, giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên. Ngoài ra, xu hướng chọn ngành, do tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, là một trong những nguyên nhân làm điểm chuẩn tăng.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào một vài trường, một vài ngành có số lượng thí sinh tăng cao, sẽ có cái nhìn định tính. Thứ trưởng Sơn cho biết, thống kê số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn mà trên 27 chiếm dưới 5%, với con số này không thể nói là điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao. Với việc thí sinh lựa chọn tập trung vào một số ngành, dẫn tới điểm chuẩn vọt lên.

Có thể điểm thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá được năng lực chuyên biệt của thí sinh đối với yêu cầu từng ngành, từng trường khác nhau nhưng cũng có độ phân hóa tương đối tốt. Việc các trường tốp trên có điểm cao và có sự phân hóa rõ nét giữa các trường, các ngành.

"Với tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong 1 năm rất đặc biệt, các em có thể dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học để không phải vất vả đi dự thi nhiều lần - đó là thành công lớn của kỳ thi này mà chúng ta cần nhìn nhận", Thứ trưởng Sơn đánh giá.

Để khắc phục những hạn chế, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng phương án để trao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn, cho phép đại học phối hợp tổ chức các kỳ tuyển sinh riêng bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu