05:01 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm

21:03 04/01/2018

(THPL) - Theo quyết định của UBND TP.HCM, chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) được chọn thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo báo Thanh niên, ngày 4/1/2018, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại TP.HCM đến năm 2020.

Theo đó, chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) được chọn thí điểm. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn có tổng diện tích khoảng 95.000 m2, là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất cho thành phố với thị phần luôn chiếm từ 50 - 55%. Chợ Bến Thành được biết đến như biểu tượng đặc trưng của chợ truyền thống TP.HCM; có diện tích 13.056 m2, hoạt động từ 4 giờ sáng đến 19h, trung bình có trên 10.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm mỗi ngày.

mô hình chợ an toàn thực phẩm, thí điểm
Chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) được chọn thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: Báo Tiền phong

Với mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, thực phẩm kinh doanh tại chợ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí: Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm kinh doanh; chứng từ đầu vào hoặc sổ sách ghi chép tình hình xuất, nhập hằng ngày, công tác lưu trữ, ghi chép phải thực hiện đúng quy định.

Thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, phiếu xét nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định hiện hành; khuyến khích xét nghiệm sản phẩm định kỳ đối với các sản phẩm ăn nhanh, ăn ngay; giấy kiểm dịch thú y và kiểm dịch thực vật (nếu có) đối với thực phẩm tươi sống.

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành hàng thực phẩm cung ứng cho chợ phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc bản cam kết chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định từng ngành.

Đặc biệt, thực phẩm phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc từ trang trại, nông trại đến người tiêu dùng; tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người...

Đến nay, ngoài việc thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn), TP.HCM đã triển khai thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, 23 chợ lẻ và hầu hết các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn.

Theo báo Tiền phong, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm TP cho biết, hiện ban đã bố trí 8 đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận, huyện và 2 đội quản lý an toàn thực phẩm ở 2 chợ đầu mối của TP là Hóc Môn và Bình Điền. Có 3 tiêu chí cơ bản mà tiểu thương phải đáp ứng là có giấy phép đăng ký kinh doanh, có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa vào chợ phải có nguồn gốc.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn sẽ có đội quản lý an toàn thực phẩm gồm 14 cán bộ. Cán bộ của đội sẽ phối hợp với ban quản lý chợ giám sát nguồn gốc thịt thông qua mã truy xuất nguồn gốc. Nguồn thịt được giám sát an toàn được cung cấp đến các chợ truyền thống và tiểu thương bán lẻ khác. Ngoài thịt heo, cán bộ của đội cũng hướng dẫn tiểu thương mở sổ ghi chép nguồn gốc nhập, xuất các mặt hàng khác như rau, củ, quả...

Còn ở chợ Bến Thành không bố trí đội quản lý an toàn thực phẩm, mà trách nhiệm quản lý ở ban quản lý chợ. Đội quản lý của Ban an toàn thực phẩm TP sẽ phối hợp với ban quản lý chợ và phòng y tế quận thường xuyên hướng dẫn tiểu thương mở sổ truy xuất nguồn gốc, ghi chép nguồn hàng, số lượng bán hằng ngày để theo dõi. Đội quản lý an toàn thực phẩm phụ trách địa bàn sẽ phối hợp với ban quản lý chợ để thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm.

Quá trình kiểm tra, giám sát, Đội quản lý an toàn thực phẩm phát hiện thực phẩm, hàng hóa tại 2 chợ này có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm sẽ lấy mẫu giám định. Nếu kết quả có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng: “Thực tế ghi nhận điều kiện kinh doanh tại chợ còn kém nên cần thực hiện những dự án thí điểm như dự án của TP để nâng cấp, cải thiện. Theo tôi, bản thân chợ, tiểu thương tại chợ cũng phải tự đầu tư nâng cấp, kiểm soát nguồn thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Gần đây, kênh phân phối hiện đại phát triển mạnh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tốt hơn. Do đó, nếu kênh phân phối truyền thống không thay đổi sẽ mất khách".

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu