09:44 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Cơ sở y tế tuyến huyện loay hoay với giải pháp xử lý rác thải y tế

10:46 21/04/2017

(THPL) - Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế đang là vấn đề nan giải bởi bên cạnh những ảnh hưởng nguy hại đối với sức khỏe của người dân, nó còn tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh. Tuy vậy, hiện nay việc quy hoạch, xử lý rác thải tại bệnh viện tuyến huyện ở Thanh Hóa đang còn nhiều bất cập.

Thu gom xử lý tạm thời và thủ công

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc xử lý rác thải y tế của các cơ sở y tế nói chung và bệnh viện tuyến huyện nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài bông băng, kim tiêm, chai nhựa, thủy tinh… chất thải y tế còn chứa nhiều vi khuẩn, vius gây bệnh. Trong khi đó, cơ chế quy hoạch, thu gom, xử lý rác tại nhiều nơi đang còn lúng túng và nhiều bất cập, thiếu sự đầu tư mang tính chiến lược lâu dài.

Để tìm hiểu rõ về việc xử lý rác thải trong bệnh viện tuyến huyện tại Thanh Hóa PV đã liên hệ một số cơ sở y tế, bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh Thanh Hóa để có thông tin khách quan về vấn đề này.

Rác thải được đốt ngay trong khuôn viên bệnh viện đa khoa huyện Quảng Xương.

Đơn cử, Bệnh viện đa khoa huyện Hậu Lộc hiện có 15 khoa, phòng với tổng số 140 giường kế hoạch. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện này thải ra khoảng trên 20kg rác. Số lượng rác thải này được các khoa, phòng phân loại trước khi mang xuống xử lý. 

Mỗi ngày, hộ lý thu gom 4 lần, các loại chất thải như lọ, chai nhựa, thủy tinh đều được tập kết tại bãi rác bệnh viện, còn lại một số chất thải nguy hại như bông băng, kim tiêm, bệnh phẩm… được xử lý thông qua lò đốt lắp đặt từ năm 2010, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, lượng nhả đốt 10 – 15kg/2 giờ.

Tro chất thải rắn sau khi được xử lý đổ bừa bãi cạnh lò đốt bệnh viện huyện Quảng Xương.

Ông Trịnh Văn Minh, Trưởng phòng hành chính (Bệnh viện huyện Hậu Lộc) cho biết: “Mặc dù công nghệ xử lý rác thải thông qua lò đốt rất tiện lợi, giải quyết số lượng rác thải nguy hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, mỗi ngày bệnh viện đốt 2 lần, với thời gian hơn 2 giờ. Tuy nhiên, theo tính toán, hàng năm chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, nạp nhiên liệu cho lò đốt rất tốn kém, trung bình từ 25 – 30 triệu đồng/tháng.”

Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn, mặc dù là bệnh viện hạng II nhưng việc xử lý chất thải tại đây còn nhiều bất cập. Đơn cử, do quỹ đất hạn hẹp, nên khoảng cách từ lò đốt rác thải đến Khoa khám bệnh nội B chưa đảm bảo an toàn, hơn nữa việc hàng ngày có hơn 100 kg rác thải, cùng với trên 250 kg rác thải y tế từ chai, lọ nhựa, thủy tinh… thải ra, tạo ra áp lực không hề nhỏ trong công tác xử lý rác thải của bệnh viện.

Bãi tập kết rác bừa bộn tại bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn.

Theo ông Lê Anh Tính, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, được biết mặc dù bệnh viện có ký hợp đồng với công ty môi trường xử lý rác thải, tuy nhiên đến nay bệnh viện chưa xây dựng ô ngăn rác thải, một số rác thải sinh hoạt còn xen lẫn với chất thải y tế nguy hại.

 Loay hoay tìm giải pháp

Nằm ngay phía cuối khuôn viên Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Xương là một “ bãi chiến trường”, bởi bãi tập kết rác ngổn ngang rác thải y tế, từ chai lọ, thủy tinh, tro của chất thải qua xử lý, đến một lượng lớn chất thải sinh hoạt thông thường.

Điều đáng nói, mặc dù rác được phân loại tại nguồn, với 3 túi màu khác nhau, trung bình cứ 1 – 2 ngày bệnh viện xử lý rác thông qua phương pháp đốt. Tuy vậy, rác thải tại đây phần lớn chưa được xử lý triệt để, nhiều chai lọ vứt bừa bãi, tro chất thải sau khi đem đốt được đổ ngay cạnh lò đốt rác. Tại một số nơi trong khuôn viên, dù đã có lò đốt, ký hợp đồng thu gom rác thải, thế nhưng vẫn xuất hiện các bãi đốt rác thải trong khuôn viên bệnh viện.

Trên thực tế, tại nhiều bệnh viện, các bể chứa tro chất thải rắn sau khi đốt được xây dựng tạm bợ, không đảm bảo an toàn, mặt khác, việc đốt rác thải bừa bãi trong khuôn viên tại một số bệnh viện vẫn còn phổ biến…

Theo Thông tư Liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định một số điều về quản lý, phân định, xử lý chất thải y tế, theo đó tại các cơ sở y tế phải đảm bảo việc phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, giảm thiểu, tái chế chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường, vận chuyển chất thải y tế…

Phần lớn các bệnh viện hiện nay đều xử lý rác thải nguy hại thông qua công nghệ xử lý bằng lò đốt, tuy vậy chất lượng, công suất sử dụng của các lò đốt chưa đảm bảo, hiệu quả còn hạn chế. Sau một thời gian đưa vào sử dụng đã hư hỏng, hơn nữa chi phí bảo dưỡng, duy tu…lại rất tốn kém. Chưa kể, tại các cơ sở y tế phải đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, lưu giữ rác thải tạm thời tại các khoa phòng. Do đó, việc xử lý, thu gom chất thải tại các cơ sở y tế còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành y tế  tỉnh Thanh Hóa cần sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để xử lý triệt để chất thải y tế tại các cơ sở y tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về xử lý chất thải y tế.

Các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện tuyến huyện cần thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn chất lượng môi trường làm cho môi trường, cảnh quan các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xanh, sạch đẹp.

   Lê Thanh 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu