03:21 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ An sẽ dán tem điện tử cho 550.000 quả cam Vinh

11:34 11/10/2017

(THPL) - Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành dán tem điện tử cho 550.000 quả cam tại 5 huyện với 12 xã nằm trong chỉ dẫn địa lý cam Vinh.

Cam Vinh là sản phẩm nông sản hàng hóa đầu tiên của Nghệ An xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý và trở thành tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Diện tích đất vùng trồng cam được công nhận chỉ dẫn địa lý Vinh bao gồm gần 1.700 ha, bao gồm 5 huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Các giống cam được công nhận mang chỉ dẫn địa lý gồm: cam xã Đoài 1, cam xã Đoài 2, cam Vân Du và cam Sông Con.

Những xã được dán tem cam Vinh trước mùa cam năm nay theo quy chế của UBND tỉnh gồm 12 xã: Nghi Hoa, Nghi Diên (Nghi Lộc), Hưng Trung (Hưng Nguyên), Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn), Minh Hợp (Quỳ Hợp), Tân Phú, Tân Long, Tân An (Tân Kỳ).

Việc sử dụng tem điện tử cho cam Vinh sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác. 

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, vụ cam năm 2017 Sở sẽ tiến hành cấp 550.000 tem điện tử cho 5 đơn vị đủ điều kiện, tương đương với khoảng 5ha cam, 550.000 quả cam.

Ngoài ra, Sở sẽ cấp 5 máy in tem cho 5 đơn vị sản xuất cam. Theo đó, việc in tem do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, các cơ sở đủ điều kiện in tem chỉ được in số lượng theo đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ .

Trước thắc mắc của nhiều huyện, người trồng cam vì không được dán tem cam Vinh, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Sắp tới Sở sẽ kiến nghị với UBND tỉnh điều tra, khảo sát lại diện tích, chất lượng cam ở một số địa phương khác trong tỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người trồng cam và phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu cam Vinh

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức in ấn logo, bao bì, quảng bá thương hiệu cam Vinh. Tuy nhiên thương hiệu cam Vinh vẫn chưa có dấu ấn trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc quản lý tem tại đơn vị được in tem cần có giải pháp cụ thể, tránh tình trạng in tem nhưng không dán hết tem, để thất thoát tem ra ngoài. Cần thống nhất về mẫu mã tem, chất lượng tem. Việc dán tem cần phải có sự quản lý từ cấp Sở đến cấp huyện.

Bên cạnh đó quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, do vậy cần có cơ quan chuyên môn quản lý tốt khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bởi hiện nay cam kém chất lượng tại các địa phương khá nhiều. Chưa có quy trình cụ thể về chăm sóc cam, chưa có đơn vị quản lý, cung ứng giống cam.

Các huyện, ngành cần tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, quảng bá thương hiệu chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Kết luận tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Điền (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ thống nhất mẫu tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh bằng một mẫu đồng nhất, chất lượng như nhau.

Hội cam Vinh cần phát huy tốt vai trò của mình đối với hoạt động tuyên truyền, kiểm tra giám sát trong việc quảng bá, phát triển thương hiệu cam Vinh. Sở Khoa học và Công nghệ, các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng giống cam, chăm sóc cam, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tuyên truyền và triển khai sâu rộng việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho cam Vinh trong thời gian tới, bên cạnh đó đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. 

Tính đến tháng 7/2017, toàn tỉnh Nghệ An có 5.069 ha cam, được trồng tại các huyện: Quỳ Hợp (2.628 ha), Thanh Chương (331ha), Con Cuông (306 ha), Yên Thành (306 ha), Tân Kỳ (141 ha), Anh Sơn (115 ha)...

Trong đó, diện tích cam trồng đạt chuẩn VietGap là 52 ha; diện tích được tưới theo công nghệ cao của Israel là 182 ha.

Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu