14:56 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp đặt niềm tin vào phát triển kinh doanh năm 2018

11:48 12/12/2017

(THPL) - Số liệu nghiên cứu của các cơ quan hữu quan, cũng như dấu hiệu tăng trưởng trong 2 quý cuối năm 2017 đều cho thấy, môi trường kinh doanh và cơ hội phát triển của năm 2018 sẽ trở nên tốt hơn. Đây là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp (DN) đặt niềm tin vào triển vọng kinh doanh trong năm tới.

Theo báo Đầu tư, kết quả khảo sát mới nhất về động thái và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN do Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây cho thấy, niềm tin của DN đang phục hồi một cách mạnh mẽ, thể hiện qua thực tế hoạt động của khu vực này trong vài năm gần đây, chẳng hạn như số lượng DN được thành lập mới tăng kỷ lục, ước đạt hơn 100.000 DN/năm...

“Đã có những động thái và chuyển biến tích cực từ kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, đặc biệt là việc Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN, từ đó quyết tâm nỗ lực hoàn thành mục tiêu cắt giảm 30-50% số giấy phép con để ‘cởi trói’ cho DN, với trọng tâm đặt vào 2 tuyến cải cách là giảm rào cản và giảm chí phí, góp phần giúp Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu”, đại diện VCCI nói.

08_EUDH
Niềm tin của doanh nghiệp đang phục hồi một cách mạnh mẽ. Ảnh báo Đầu tư

Quan trọng hơn, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, việc Chính phủ đưa ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân với những giải pháp đột phá sẽ là “đòn bẩy” quan trọng, báo hiệu năm 2018 sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc.

“Mọi dấu hiệu và chỉ báo đều cho thấy, môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển trong năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017”, ông Phòng cho hay.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, DN đang đứng trước 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Về cơ hội, thứ nhất, thông điệp của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhận làm động lực phát triển kinh tế là rất rõ ràng; thứ hai là môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng, thời gian, chi phí được tiết giảm… giúp tăng cơ hội kinh doanh cho DN. Về thách thức, theo ông Hiếu, đó chính là cải thiện quản trị DN, nâng cao sức cạnh tranh.

“Khi sức ép cạnh tranh trên thị trường tăng lên sẽ tác động trực tiếp đến DN, nếu không thay đổi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Vì vậy, DN tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, phải tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo TTXVN đưa tin trước đó, để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2017 và thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2018, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực đã thành công như điện, tín dụng, thuế, xuất khẩu… Tuy nhiên, nếu phát triển kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng rất rủi ro về nợ xấu, áp lực về mặt tài chính cần được giải quyết và điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Sebastian Eckardt, hiện tại đầu tư công tại Việt Nam vẫn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, cản trở dòng tiền vào các lĩnh vực đầu tư khác. Bên cạnh đó, nền kinh tế hướng vào xuất khẩu với 80% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực sản xuất, nhưng điều bất lợi là FDI chiếm tỷ lệ cao nên về lâu dài cần thay đổi thực trạng này. Tận dụng nguồn vốn FDI cần tránh phụ thuộc mà phải tạo được sự liên kết nguồn lực lao động và doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

Còn theo các doanh nghiệp, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế việc điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị thường; các cơ quan liên quan phải đồng hành với Ngân hàng Nhà nước trong điều chỉnh và tăng trưởng ổn định tín dụng; không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được. Ngoài ra, khi cung cấp nguồn vốn phải cân nhắc khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả; đồng thời không điều chỉnh tỷ giá đột ngột, gây sốc cho thị trường. Về chính sách Tài chính-Ngân sách Nhà nước, dự toán và thu chi ngân sách cần tuân thủ đúng mục tiêu ngân sách 2018 đã được thông qua và hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác.

Tại Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có hơn, mức thu nhập bình quân của người dân tăng… Do đó, thúc đẩy khả năng mua sắm, tiêu dùng nội địa tăng theo là giải pháp nên được tính đến. Dự báo trong năm 2018 và những năm tới, xu hướng này vẫn tăng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu