11:55 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt gần 370 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024

11:44 20/06/2024

(THPL) - Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt gần 370 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong 5 tháng đầu năm như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ.

Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, nổi bật là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (5 tháng xuất siêu 19,27 tỷ USD).

Xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt gần 370 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024. Ảnh minh hoạ

Theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng USD; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.

Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Trước những thách thức trên, trong nửa cuối năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và pháp luật. Mặt khác, triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát tồn đọng để sớm đưa vào vận hành công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh.

Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất. Cụ thể như xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc), an toàn thực phẩm.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu