03:56 ngày 19/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu Việt Nam trước nguy cơ bùng nổ “chiến tranh thương mại” trên thế giới

12:37 06/02/2025

(THPL) - Đến thời điểm hiện tại đã có nhiều quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ. Dù Việt Nam không nằm trong nỗi lo ngại về đòn áp thuế mới này, nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định, về lâu dài, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhập khẩu và điều này sẽ tác động đến Việt Nam – quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ rất lớn.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).

Kết quả năm 2024 cũng đánh dấu Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 119,6 tỷ USD. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, xong bước sang năm 2025, xuất khẩu Việt Nam cũng đối diện với nhiều trở ngại và thách thức.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 5/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những nhận định về tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là tới xuất khẩu. Vì vậy Thủ tướng đề nghị phải dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu, từ đó đề xuất giải pháp để phản ứng kịp thời, không bị động.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 405,53 tỷ USD

Trước đó, ngay khi thông tin Tổng thống đắc cử nhiệm kỳ tới của Hoa Kỳ là Donald Trump với các dự đoán về việc sử dụng chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu như một công cụ đắc lực để kéo thu hút đầu tư về lại Mỹ, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra 2 kịch bản để ứng phó với sự kiện này. Theo đó, thứ nhất, kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam và Việt Nam sẽ hưởng lợi khi dòng đầu tư có xu hướng dịch chuyển, kéo theo xu hướng dịch của chuyển chuỗi cung ứng. Khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng lợi thế quốc gia xuất khẩu thuộc Top 20 thế giới. Thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Hoa Kỳ và tác động đến Việt Nam. Với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường trong thời gian tới.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì thời điểm hiện tại Việt Nam không nằm trong các quốc gia bị áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Và đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại cho hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt với các nhóm hàng Việt Nam đang có lợi thế lớn tại Mỹ mà Trung Quốc từng có lợi thế xuất khẩu trước đây. Với một nền kinh tế có độ mở cao của Việt Nam, xuất khẩu lại phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh này, nguy cơ lớn nhất và tiềm ẩn đáng lo ngại là các doanh nghiệp tại các quốc gia bị đánh thuế cao, chuyển sang Việt Nam, thực hiện các công đoạn cuối để mượn xuất xứ, xuất khẩu sang Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế là các hiệp định thương mại đã ký kết, ngành công thương cần nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Nói chung, các ngành, các cấp và doanh nghiệp phải có giải pháp ứng phó xung đột thương mại.

Lâm Tới

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu