21:27 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam dự kiến sụt giảm 17% trong năm 2023

Minh Anh (t/h) | 16:21 11/12/2023

(THPL) - Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu viên nén gỗ đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với năm 2021. Tuy nhiên, năm 2023, với những yếu tố tác động từ thị trường nhập khẩu, dự báo, xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sẽ sụt giảm khoảng 15 - 17% so với năm 2022.

Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu viên nén, trên 95% viên nén của Việt Nam được xuất vào Nhật và Hàn Quốc. Theo ước tính, ngành viên nén gỗ hiện có sự tham gia của 400 - 500 doanh nghiệp đang tham gia khâu sản xuất và thương mại xuất khẩu. Trong đó có khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào khâu xuất khẩu. Điều này có nghĩa phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đóng vai trò sản xuất, cung sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Là doanh nghiệp sản xuất viên nén xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, ông Lê Văn Tuyển - Giám đốc Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ (Quảng Trị)  cho hay, nếu năm ngoái, tình hình thị trường “khá chạy” thì năm nay ngược lại, tình hình bán hàng rất chậm. Mặc dù đơn hàng đã ký, nhưng khách hàng trì hoãn việc lấy hàng.

Nguyên nhân do, năm ngoái, thị trường này nhập hàng nhiều hơn cần thiết, lượng tồn kho còn nhiều, dùng chưa hết. Các kho bên Nhật Bản đã đầy, nhập hàng về họ cũng không biết để đâu. Bên cạnh đó, qua trao đổi với một số khách hàng thì được biết, một số nhà máy chuyển đổi từ các nhà máy nhiệt điện đốt bằng các vật liệu khác như than đá,… sang viên nén. Việc chuyển đổi này vẫn chưa được thông suốt, tình trạng các nhà máy bị gặp trục trặc vẫn xảy ra, do đó, họ phải dừng lại để xử lý sự cố.

Các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ khác cũng nhận định, phải đến quý II/2024 tình hình thị trường xuất khẩu mới có thể được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Công ty Tâm Phúc Gia Lai chia sẻ: “Chúng tôi cũng tin tưởng tốc độ tiêu thụ của các nhà máy nhiệt điện Nhật Bản ổn định trở lại thì đến năm 2024 thị trường sẽ khả quan hơn giai đoạn 2023 vừa rồi”.

Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam dự kiến sụt giảm 17% trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Thị trường viên gỗ nén toàn cầu được nhận định sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD vào năm 2030. Các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn về thị trường chỉ mang tính chất ngắn hạn, về dài hạn, tiềm năng vẫn là rất lớn. Do đó, việc đa dạng tệp khách hàng cũng là hướng đi mà các doanh nghiệp tính đến.

Cũng liên quan đến viên nén gỗ, theo chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends nhận định, tính bền vững của ngành viên nén của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cầu của thị trường và tính bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào.

Theo TS Tô Xuân Phúc – Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp Tổ chức Forest Trends, giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.

Cụ thể, các cơ quan quản lý tại các địa phương cần tính toán khả năng cung gỗ nguyên liệu của các diện tích rừng trồng (và các cơ sở chế biến) trong phạm vi địa phương của mình, đánh giá năng lực và công suất của các dự án chế biến, dựa trên đó quyết định cấp phép cho các dự án này theo khả năng cung nguyên liệu.

Quyết định này cần đảm bảo công suất chế biến của các doanh nghiệp sử dụng cùng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào (ví dụ cùng nguồn gỗ rừng trồng) không vượt quá khả năng cung nguyên liệu của vùng. Quyết định này cũng đòi hỏi những tính toán về mối tương tác và cạnh tranh giữa các hợp phần chế biến của các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng – bao gồm các cơ sở chế biến đồ gỗ, ván bóc, ván ép, dăm, viên nén…

Với tính chất hiện nay, các doanh nghiệp ngành viên nén xứng đáng nhận được các cơ chế, chính sách dành riêng. Thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đó sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành viên nén phát triển bền vững trong tương lai.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu