19:09 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất hiện nhiều thủ đoạn bán hàng gian lận trong thương mại điện tử

Lưu Kỳ (tổng hợp) | 08:08 07/05/2022

(THPL) - Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh khoảng 30-35%. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Lợi dụng sự phát triển nhanh của TMĐT và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - công nhận, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng QLTT thu giữ hàng nghìn sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bán trên mạng xã hội. Điển hình, ngày 6/5, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã bất ngờ kiểm tra địa điểm kinh doanh do ông Mai Quyết Thắng làm chủ, phát hiện và thu giữ 2.000 bộ quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng lưu ý, địa điểm này thường xuyên đóng cửa để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Mới đây, lực lượng QLTT thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm nghi là hàng giả bán qua livestream tại Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu, cơ sở này chủ yếu kinh doanh trên nền tảng TMĐT đặc biệt là shopee. Tại cơ sở có 4 nhân viên thực hiện việc chốt đơn và đóng gói hàng hóa gửi cho khách hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trung bình mỗi sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 4, lực lượng QLTT đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Được biết, có những ngày cơ sở chốt hàng nghìn đơn hàng với nhiều giá trị khác nhau. Từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/ đơn. Doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, bởi muốn triệt phá các vụ việc vi phạm pháp luật này phải tìm được hàng hóa, do vậy những thủ đoạn trên khiến việc “lật tẩy” mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, các đối tượng thường sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của Chủ tịch Uy ban nhân dân cấp quận, huyện, nhưng để chứng minh được căn cứ cho ra một quyết định này mất nhiều thời gian, lúc đó hàng hóa có thể đã bị tẩu tán mất.

Một thủ đoạn nữa là các đối tượng sử dụng nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để mua các lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các comment, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục QLTT đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian thương mại điện tử.

Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng kết hợp với các cơ quan chức năng khác như hải quan, biên phòng để trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái. Cùng với đó, kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng trong việc báo cáo các trường hợp vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý và ngăn chặn.

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu