21:49 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xây dựng thương hiệu điều quốc gia gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

22:18 14/11/2017

(THPL) - Ngành điều VN đang tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo giá trị gia tăng hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân trồng điều.

Theo báo Nông nghiệp, tại Hội nghị Điều quốc tế tổ chức tại Phú Quốc (Kiên Giang) từ ngày 13 - 15/11, trước 400 đại biểu và khách hàng đến từ 40 quốc gia, ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tự tin khẳng định:

“Ngành điều chúng tôi có sứ mạng lịch sử là quốc gia chế biến và xuất khẩu điều số 1 thế giới suốt 12 năm qua. Điều làm nên thành tựu này là do Việt Nam tạo được giá trị cốt lõi hướng đến người tiêu dùng toàn cầu, cam kết sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng tốt nhất, được quản lý theo các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Đặc biệt, sản phẩm điều Việt Nam luôn hướng đến tiêu chí “4 không”: Sản phẩm không biến đổi gen, không sử dụng thuốc BVTV cấm, không nấm mốc vi sinh vật gây hại, không sử dụng lao động cưỡng bức”.

che-bien-dieu-1480041993811
Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. (Ảnh: Internet)

Ông Thanh cũng cho biết chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2035, với chủ đề “Giá trị điều Việt Nam”, trong đó sẽ tập trung xây dựng thương hiệu điều quốc gia và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo giá trị gia tăng hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân trồng điều.

Tại khu vực sản xuất, ngành điều Việt Nam thực hiện 3 chương trình đồng hành cùng nhà nông (tái canh và xen canh, ghép cải tạo, nghiên cứu phát triển giống điều mới). Tiếp tục đẩy mạnh chương trình sản xuất điều sạch với quy trình sản xuất theo Organic; hoàn thành chỉ dẫn địa lý ở các vùng trồng điều trọng điểm. Đồng thời, ngành điều dồn lực tăng tỷ trọng chế biến sâu và quảng bá thương hiệu điều quốc gia Việt Nam đến người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Khẳng định cho thành tựu và chiến lược phát triển mang tính toàn cầu của Vinacas, ông Lê Quốc Doanh (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) đã đánh giá rất cao vai trò của các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam, nhất là năm 2017 đã vươn lên vị trí đầu bảng trong 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước nhà (dự kiến đạt khoảng 3,3 tỷ USD).

“Tôi đề nghị thời gian tới, các doanh nghiệp điều Việt Nam tăng cường liên kết với các vùng nguyên liệu theo hướng cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm. Đồng thời tiếp tục sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành điều Việt Nam, đẩy mạnh chế biến sâu, nhất là các sản phẩm ăn liền có giá trị gia tăng cao và tăng cường xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn nữa thị trường thế giới”, ông Doanh nói.

Trước đó, theo Thời báo Tài chính Việt Nam, tại Hội thảo “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu", ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, khối lượng nhân điều xuất khẩu năm 2016 là 346,5 ngàn tấn, kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và 18,4% về giá trị so với năm 2015, là năm có kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay, đứng hàng thứ 2 sau cà phê. 9 tháng đầu năm 2017 đã xuất khẩu được 257 ngàn tấn, kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, đạt 99,8% về lượng và 125% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng: “Cây điều được dự báo nhu cầu sẽ tăng 6%, nhưng cung sẽ không đáp ứng ứng đủ, điều này rất vô lý. Việt Nam đang chế biến trên 50% sản lượng điều thô thế giới. Song, mỗi năm diện tích trồng trong nước đang thu hẹp, sản lượng thấp dần, chỉ tự đáp ứng được trên 30% nguyên liệu. Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay tự chúng ta làm cho hạt điều không còn hấp dẫn. Vì vậy, nếu không có sự vào cuộc của chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân, ngành điều sẽ đi xuống”.

Để ngành điều phát huy hết tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề xuất thời gian tới ngành điều cần tập trung vào các giải pháp  tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng. Như vậy mới thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ngành điều giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt mục tiêu XK 3 tỷ USD vào năm 2020.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): “Tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu”.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu