12:54 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU

15:38 22/09/2020

(THPL) - Sáng 22/9, tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lô hàng gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9.

Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Để chuẩn bị cho những bước đi dài hạn, Tập đoàn đã đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng lúa gạo, bao gồm cả khâu sản xuất và chế biến.

Đến nay, Lộc Trời đã đầu tư 5 nhà máy sản xuất gạo có vị trí trung tâm các vùng nguyên liệu lúa, liên kết tốt hệ thống đường bộ và đường thủy để vận chuyển thuận tiện nhất.

“Tất cả đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, nhà máy Thoại Sơn có đầy đủ các chứng nhận HACPP, HALAL và BRC đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất cao cấp của các thị trường khó tính tại EU, nhà máy Vĩnh Hưng có dây chuyền sản xuất gạo mầm Vibigaba từ lúa mùa ruộng tôm, tiến tới có chứng nhận GMP để xây dựng thương hiệu thực phẩm chức năng, đem lại lợi nhuận cao hơn nữa cho nông dân trồng giống lúa đặc sản này của Lộc Trời” – ông Huỳnh Văn Thòn cho biết.

Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU (ảnh minh họa)

Báo Lao động đưa tin, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, khi EVFTA được thực thi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu gạo lớn vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 EUR/tấn (2019), 150 EUR/tấn (2020) và 125 EUR/tấn (2021).

Như vậy, đây là cơ hội rất lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường về giá và chất lượng.

Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác, có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.

Hiện gạo là mặt hàng tiềm năng của Việt Nam tại thị trường EU, 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi Châu Âu đạt gần 16.000 tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Đặc biệt, từ khi EVFTA được thực thi (từ 1/8/2020), trong giai đoạn ngắn (từ ngày 4-17/9/2020) đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận vùng trồng để xuất khẩu sang EU với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm.

Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng bởi gạo Việt Nam đã chuyển sang chế biến sâu, chú trọng các khâu an toàn thực phẩm, thực hiện đúng cam kết về truy xuất nguồn gốc, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Zing.vn, theo thống kê, hàng năm Việt Nam xuất khẩu 6,4-7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với trị giá đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Tám tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cho biết trong 8 tháng đầu năm, đã có hàng nghìn container gạo Việt Nam được xuất đi, nhưng chỉ có 3 lô hàng bị trả lại. Chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu