19:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Phương Linh (tổng hợp) | 17:15 14/01/2020

(THPL) - Ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5-7% GDP).

Theo báo Quốc tế, tại tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề Tổn thất kinh tế của Ô nhiễm không khí và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm do Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức đã diễn ra sáng 14/1 tại Hà Nội, các chuyên gia chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.

Theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5-7% GDP).

Theo báo cáo Chỉ số năng lực môi trường năm 2018 (EPI), Việt Nam xếp thứ 132 trong số 180 nền kinh tế về thành tích môi trường nói chung, chất lượng không khí đứng thứ 159, cường độ phát thải xếp hạng 141, sức khỏe môi trường đứng thứ 129 và thành tích về môi trường năm 2018 thua rất nhiều nước trong khu vực.

Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD mỗi năm vì ô nhiễm không khí (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, hủy hoại hệ sinnh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Theo báo Tiền phong, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam từ nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng và ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ lụy là đã có nhiều dự án trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu