06:43 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam đã hỗ trợ 45.665 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người lao động

Tuấn Minh | 16:59 26/12/2022

(THPL) - Tính đến nay, các chính sách trong Nghị quyết 68 đã hỗ trợ hơn 36 triệu người lao động, gần 400.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là hơn 45.665 tỷ đồng.

Sáng ngày 26/12 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.

Tại báo cáo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là hơn 45.665 tỷ đồng.

Trong 45.665 tỷ đồng tiền hỗ trợ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động) với số tiền là 4.164 tỷ đồng.

Với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã hỗ trợ cho 2.037.065 người với số tiền là 6.631,233 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc đã thực hiện hỗ trợ cho 1.129.755 người, với số tiền là 1.129,755 tỷ đồng…

Với hộ kinh doanh, tính đến ngày 30/6, các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù đã hỗ trợ cho 508.127 hộ kinh doanh, với số tiền hỗ trợ 1.507,417 tỷ đồng...

Tính đến nay, Việt Nam đã hỗ trợ 45.665 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người lao động. Ảnh minh hoạ

Trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai tổ chức thực hiện chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, lập 06 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động (trung  bình 1.200 cuộc gọi/ngày; có ngày cao điểm lên đến 1.500 cuộc gọi/ngày), đồng thời cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; thiết lập chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện; mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác chăm lo, đảm bảo an sinh toàn dân.

Tuy nhiên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng tổ chức triển khai thực hiện, có lúc, có nơi còn thiếu nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai; một số cán bộ thực thi còn tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm; tiếp nhận, rà soát hồ sơ có nơi còn thiếu linh hoạt, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan; cấp phát kinh phí hỗ trợ giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời.

Ngoài ra việc tổ chức triển khai thực hiện, có lúc, có nơi còn thiếu nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai. Một số cán bộ thực thi còn tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm. Việc tiếp nhận, rà soát hồ sơ có nơi còn thiếu linh hoạt, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan; cấp phát kinh phí hỗ trợ giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp ở một số địa phương có lúc chưa kịp thời…

Tuấn Minh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu