12:44 ngày 22/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam cần xúc tiến xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường

19:40 10/02/2025

(THPL) - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 399 USD/tấn, đây là giá thấp nhất của gạo Việt trong vòng 3 năm qua. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm nay, Việt Nam cần xúc tiến xuất khẩu gạo tới các thị trường khác.

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 399 USD/tấn, thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan 32 USD, Ấn Độ 14 USD và Pakistan 5 USD. Đây được xem là mức giảm chưa từng có khi trước đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 420-535 USD/tấn. So với mức đỉnh 663 USD/tấn vào cuối tháng 11/2023, giá hiện tại đã giảm 264 USD, tương đương 40%.

Không chỉ gạo 5% tấm, hàng 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm còn 371 USD một tấn, trong khi sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 410 USD, 394 USD và 377 USD.

Về nguyên nhân giá gạo Việt xuất khẩu lao dốc, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết do áp lực nguồn cung tăng khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại. Do đó, trên thị trường thế giới không còn tình trạng các nhà nhập khẩu phải tranh mua như thời điểm nửa cuối năm 2023 và nửa đầu 2024.

Bên cạnh đó, các khách hàng truyền thống của gạo Việt đều có kế hoạch giảm nhập khẩu trong năm nay. Điều này cũng tác động mạnh đến giá gạo của nước ta.

Trong năm nay, Việt Nam cần xúc tiến xuất khẩu gạo tới các thị trường khác. Ảnh minh họa

Liên quan đến giá gạo, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)  cho rằng, tình trạng khó khăn chỉ là tạm thời khi các nhà nhập khẩu muốn tiếp tục chờ đợi để có giá tốt hơn. Bởi, gạo Việt đã tạo được sự khác biệt và có phân khúc thị trường riêng.

Nước ta sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ lúa có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết dịp vừa qua lại tương đối thuận lợi nên sản lượng dự báo sẽ dồi dào. Do đó, một số nhà nhập khẩu gạo muốn chờ để được mua gạo với giá rẻ hơn, ông Nam lý giải.

Còn theo ông Đinh Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May, nhận định nguồn cung tăng do Ấn Độ quay lại thị trường, cùng với tồn kho lúa gạo thế giới lớn, đã đẩy giá xuất khẩu gạo Việt Nam xuống thấp. Ấn Độ có lượng gạo dự trữ cao kỷ lục, nhưng lượng lúa mì dự trữ lại thấp hơn mức trung bình 5 năm.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cho biết, thời gian này đơn giá xuất khẩu gạo vẫn cao nhờ các hợp đồng cũ và các hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25. Mặt bằng giá mới sẽ phản ánh rõ ràng hơn trong báo cáo tháng 2. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, giá gạo hiện nay đang ở mức đáy, nhưng những khó khăn chỉ là tạm thời, trong thời gian tới, khi nhu cầu tăng cao, các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào sẽ kéo giá xuất khẩu gạo tăng lên.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm nay, Việt Nam cần xúc tiến xuất khẩu gạo tới các thị trường khác. Trong đó có thể kể đến đến thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.

Năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 7,5%. Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường này đều chứng kiến sự tăng vọt, trong đó, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 48,9%, thị trường Indonesia tăng 16,6%, thị trường Malaysia tăng 2,1 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 68,4%.

Thứ trưởng cũng cho biết, với thị trường Halal, bộ đã chỉ đạo một số doanh nghiệp đã có những sản phẩm xuất khẩu. Bộ đã triệu tập các doanh nghiệp họp bàn và thúc đẩy các giải pháp để chúng ta bước vào những thị trường mới, để làm sao mà duy trì được quy mô và đà tăng trưởng trong năm 2025.

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu