07:49 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vì sao tăng trưởng GDP năm 2016 khó đạt 6,7%?

| 07:48 09/10/2016

(DNVN) - Theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn khiến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%.

Đó là thông tin tại phiên họp toàn thể, thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây.

Tăng trưởng GDP 2016 khó đật chỉ tiêu 6,7%.

Theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được như chính sách tiền tệ có sự điều chỉnh linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, báo Hà Nội mới đưa tin.

Đó là chất lượng tăng trưởng thấp, vẫn mang nặng mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều rộng với hai yếu tố vốn và lao động. Nợ công và nợ Chính phủ nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu nợ, đến cuối năm 2016 cũng có thể cao hơn mức dự kiến. 

Đặc biệt, việc thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra, làm cho Ngành Nông nghiệp bị tác động tiêu cực, gián tiếp khiến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%.

Nêu rõ về khó khăn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đào Quang Thu giải thích, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%) chủ yếu do hậu quả của rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, báo Đầu tư đưa tin.

“Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm sự giảm sụt sản lượng công nghiệp khai khoáng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nếu tăng trưởng của 2  ngành này (nông nghiệp và khai khoáng) bằng cùng kỳ năm 2015 thì tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,74%, vượt kế hoạch đề ra”, ông Thu nói thêm.

Trên cơ sở đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, ông Thu cho biết, trong số 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng  GDP và tốc độ tăng trưởng xuât khẩu đạt 6-7% (mục tiêu 10%).

Đánh giá chung về tốc độ phát triển của nền kinh tế trong những tháng đầu năm, ông Thu cho rằng, chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư theo chiều rộng với 2 yếu tố là vốn và lao động; tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFT) đóng góp vào tăng trưởng GDP giảm từ 36,2% GDP năm 2015 xuống còn 34,4% năm 2016. 

Việc thực hiện các đột phá lớn và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực còn chậm; năng suất, lao động xã hội đạt thấp so với nhều nước trong khu vực và trên thế giới.Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu về bội chi và nợ công, nợ chính phủ. Nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu thì cuối năm 2016, bội chi và nợ công có thể cao hơn mức dự kiến. 

“Tốc độ tăng trưởng GDP khó có thể đạt mục tiêu, còn có nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu chính phủ rất chậm, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Huỳnh Quang Hải bổ sung và cho biết thêm.

Trong 9 tháng đầu năm nay giải ngân vốn đầu tư từ NSNN mới đạt 54,5% kế hoạch, còn vốn trái phiếu chính phủ mới đạt 38,8% kế hoạch.

Tốc độ xuất khẩu năm 2016, và cả năm 2017 (năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6-7%) so với các năm trước có thể coi là ảm đạm, nhưng so sánh với các nước trên thế giới, ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công thương  cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

“Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc - cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới - giảm 6,7%; Ấn Độ giảm 4,5%; Indonesia giảm 10,6%; Hàn quốc tăng trưởng âm 8,8%; Singapore giảm 8,2%... 

Hầu hết các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong 9 tháng đầu năm nay đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu âm, ngoại trừ Nhật Bản tăng 0,2%”, ông Đỗ Thắng Hải mình chứng cho nỗ lực của ngành công thương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cho dù không đạt mục tiêu đặt ra.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu