15:58 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vì sao liên danh trúng thầu dự án nghìn tỷ ở Thanh Hóa không nộp tiền?

Duy Duẩn | 05:07 19/12/2019

(THPL) - Trải qua 30 vòng đấu theo phương thức trả giá lên, liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa đã trúng đấu giá 375 lô đất với số tiền hơn 1.215 tỷ đồng. Nhưng đến nay phía đơn vị trúng thầu vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính của mình, khiến dư luận hoàn nghi đây là việc bất thường.

Như đã đưa tin trước đó, vào ngày 26/9, tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thanh Hóa diễn ra cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 375 lô đất thuộc Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa theo mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND TP Thanh Hóa (viết tắt: MBQH 3241).

Với giá khởi điểm được đưa ra là 666,42 tỷ đồng. Trải qua 30 vòng đấu theo phương thức trả giá lên, liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa đã trúng đấu giá 375 lô đất với số tiền hơn 1.215 tỷ đồng.

Cuộc đấu giá do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa tổ chức tại tầng 2, trụ sở tòa nhà Hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa, có địa chỉ tại đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, Thành phố Thanh Hóa.

Phiên đấu giá được cho là "có 1 không 2" để lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Mặt bằng 3241 tại tỉnh Thanh Hóa.

Trong tổng số hơn 20 hồ sơ được bán ra thì đến phút cuối có 13 công ty tham gia đấu giá khi đóng đủ số tiền 10% đặt trước là 66,6 tỉ đồng.

Tại phiên đấu giá lần 3 này có nhiều điểm khác với 2 lần đấu giá trước, đó là cuộc đấu giá diễn ra căng thẳng cam go và có phần “đấu trí” với nhau giữa các “ông lớn”, kéo dài từ 8h sáng ngày 26/9 đến gần 15 giờ cùng ngày thì kết thúc.

Sau hơn 20 vòng đấu, chỉ còn lại 2 công ty là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đông Dương và Liên Doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa ở lại đấu trực tiếp với nhau trong 10 vòng đấu cuối. Ban tổ chức đấu giá đã chọn đơn vị trúng đấu giá là Liên Doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (có địa chỉ ở đường Lê Qúy Đôn, TP. Thanh Hóa), với số tiền 1.215.030.000.000 đồng (hơn một nghìn hai trăm mười lăm tỉ đồng).

MB 3241 được các nhà thầu trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa "ao ước" có được - nay có giá cao chót vót.

Như vậy, giá khởi điểm là 666,4 tỉ đồng, giá đơn vị trúng thầu là 1.215 tỷ đồng. Với mức giá này, cuộc đấu giá đã tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước là 548,6 tỉ đồng.

Sau khi liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá QSDĐ, ngày 15/10, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 4222/QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá QSDĐ.

Theo cam kết, số tiền trúng đấu giá hơn 1.215 tỷ đồng sẽ được liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa nộp vào ngân sách Nhà nước theo từng đợt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, liên danh trúng đấu giá vẫn chưa thực hiện được nghĩa vụ tài chính.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thanh Hoá cho biết: Đến ngày 3/12, ngoài 66 tỷ tiền đặt cọc, liên doanh trên vẫn chưa nộp số tiền 50% theo quy định.

Trước cuộc đấu giá mang lại cho ngân sách nhà nước hơn 1 nghìn tỷ đồng lần này, nhiều phiên đấu giá trước đó đã bị tỉnh Thanh Hóa hủy bỏ.

Còn ông Mai Đình Tú, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Cục Thuế cũng đã làm việc với liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa để đôn đốc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Liên danh trúng đấu giá cam kết đến trước ngày 15/12 sẽ đóng 113 tỷ 358 triệu đồng. Đến ngày 25/12 sẽ đóng tiếp 120 tỷ đồng nữa. Trong vòng 120 ngày kể từ ngày trúng đấu giá liên doanh này phải đóng hết số tiền còn lại.

Căn cứ quy định của pháp luật, nếu liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa chậm trễ trong thực hiện đóng tiền trúng đấu giá, thì số tiền chậm nộp sẽ bị tính lãi 0,03%/ngày, tương đương trên 162 triệu đồng/ngày.

Việc liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá quyền sử dụng 375 lô đất với mức giá nghìn tỷ đồng được xem là cuộc đấu giá “đỉnh điểm” nhất ở xứ Thanh, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa lên đến cả mấy trăm tỷ đồng.

Nhưng đến nay, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính lại bị chậm trễ, buộc cơ quan chức năng phải đôn đốc, thúc giục, khiến dư luận đặt dấu hỏi hoài nghi về năng lực tài chính của liên danh này?

Liên quan đến MBQH 3241, trước đó, vào năm 2018, UBND TP Thanh Hóa đã 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất MB 3241, thế nhưng cả 2 lần đều bị "vỡ trận". Ngay trong lần tổ chức bán đấu giá đầu tiên (ngày 22/1/2018) đã có nhiều bất thường khi chỉ có 2 đơn vị tham gia đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá sau đó được xác định là Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam (có địa chỉ tại Thanh Hóa), với số tiền hơn 437 tỉ đồng (chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỉ đồng).

Kết quả đấu giá trên khiến nhiều người hoài nghi có sự bắt tay "làm bài" với nhau để gây thất thoát ngân sách nhà nước. Bởi tại khu vực này giá đất thời điểm đó dao động từ 20 đến 25 triệu đồng/m2, thậm chí mặt đường lớn có giá khoảng 40 đến 50 triệu đồng/m2.

Trước sự phức tạp của vụ việc, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thẩm định và phát hiện Công ty Bán đấu giá tài sản Năm Châu có nhiều vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá như không cập nhật thông tin đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử TP Thanh Hóa và Trang thông tin điện tử đấu giá chuyên ngành kịp thời, không niêm yết thông báo điều chỉnh phương án đấu giá công khai...đến ngày 14/3/2018, UBND TP Thanh Hóa đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá đối với Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam.

Tiếp đó đến tháng 7/2018, mặt bằng này đã được tái khởi động và tăng giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 lên 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên trong quá trình bán hồ sơ, Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên (TP Thanh Hóa) liên tục thay đổi thời gian đấu giá và có 15/18 hồ sơ đấu giá hợp lệ bất ngờ bị loại ngay trước thời điểm đấu giá khoảng vài giờ (chỉ còn 3 hồ sơ, trong đó có Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam đã trúng đấu giá trước đó). Phiên đấu giá ngày 9/10/2018 vì thế cũng đã không diễn ra như kế hoạch do các cá nhân, tổ chức bị loại kéo tới UBND Thanh Hóa để yêu cầu lãnh đạo TP có câu trả lời thỏa đáng.

Trước những lùm xùm quanh việc đấu giá khu đất “kim cương" MB 3241, Sở Tư pháp Thanh Hóa lại vào cuộc và phát hiện đơn vị được giao đấu giá vi phạm Luật Đấu giá tài sản và yêu cầu Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá với Công ty Hoàng Nguyên.

Tại cuộc đấu giá này, tỉnh Thanh Hóa và UBND TP. Thanh Hóa cũng đã phải huy động hàng chục chiến sỹ, CSCĐ để bảo vệ cả bên trong lẫn bên ngoài cuộc đấu giá nên cuộc đấu giá diễn ra tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Trúng đấu giá gói thầu được cho là “đình đám” ở tỉnh Thanh Hóa, nhưng lý do vì sao liên danh này đến nay vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc chậm trễ này.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu