09:13 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

VDSC dự báo sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý IV

19:28 06/10/2022

(THPL) - Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý IV nhưng mức độ suy giảm sẽ ở mức vừa phải. Còn khu vực dịch vụ cũng sẽ chững lại với dấu hiệu ban đầu là sự suy giảm của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải.

Theo báo cáo của VDSC, trong tháng 9, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ và 3,3% so với tháng trước. Chỉ số PMI tháng 10 tiếp tục mở rộng, ghi nhận ở mức 52,5 điểm, thấp hơn một chút so với mức 52,7 điểm ghi nhận trong tháng trước. Tuy nhiên, điểm chung mà VDSC nhận thấy ở hai biến số kinh tế này là động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang chững lại.

Số liệu xuất nhập khẩu tháng 9 theo ước tính của Tổng cục Thống kê cũng giảm lần lượt 14,2% và 7,3% so với tháng trước phản ánh bức tranh suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, trong 8 tháng 2022, động lực giúp tăng trưởng xuất khẩu đến từ các nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam như hàng điện tử, dệt may và máy móc thiết bị.

VDSC dự báo sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý 4. Ảnh minh hoạ

Xét theo thị trường, tăng trưởng xuất khẩu đến Mỹ đóng góp 39% vào mức tăng trưởng chung, theo sau là thị trường EU và ASEAN.

Tạp chí Thương trường cho hay, tại báo cáo các chuyên gia của VDSC cho rằng mối lo ngại trong quý IV đến từ việc Fed tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ dẫn đến sự thảo luận tăng lên về rủi ro suy thoái tại Mỹ. Trong khi đó, thị trường châu Âu nhiều khả năng sẽ xấu đi khi cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang vào mùa đông.

Khối phân tích dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý IV nhưng mức độ suy giảm sẽ ở mức vừa phải. Đà tăng của khu vực dịch vụ nhiều khả năng cũng sẽ chững lại trong quý IV với dấu hiệu ban đầu là sự suy giảm của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải.

Trong quý III, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải giảm lần lượt 8,6% và 4,6% so với quý trước, khác với xu hướng mở rộng của hai lĩnh vực này trong những năm trước đại dịch. 

Trước những thông tin trên, VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý IV vào khoảng 6,3-6,7%, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước khoảng 8,1-8,2%, cao hơn dự báo trước đó là 7,3%.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tạp chí VnEconomy đưa tin, Ngân hàng UOB cho rằng nền kinh tế vẫn còn những chỉ báo vĩ mô cần được theo dõi sát sao. Đó là nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở các nền kinh tế đã khiến xuất khẩu chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ, chậm đáng kể so với mức tăng 17,3% tính gộp từ đầu năm. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2022 đạt 29,9 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình của năm 2022 là 31,3 tỷ USD. Tương tự đối với nhập khẩu, tháng 9/2022 chỉ đạt mức tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong khi 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân dù vẫn khả quan nhưng vốn FDI cam kết hoặc đăng ký đang giảm so với trước. “Điều này cho thấy quy mô giải ngân vốn FDI trong tương lai sẽ ở mức thấp”, báo cáo nhận định. Đáng lưu ý, áp lực gia tăng lạm phát trong nền kinh tế vẫn hiện hữu. CPI tăng 3,9% trong tháng 9/2022 từ mức 2,9% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2020.

Với đà phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý 3/2022, UOB đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức 7% được ngân hàng này đưa ra trước đó. “Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là triển vọng năm 2023, khi chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam”, UOB cảnh báo.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu