01:21 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Trình Quốc hội dự án cao tốc Bắc - Nam hơn 300.000 tỷ đồng

18:02 03/06/2017

(THPL) - Trong phiên họp đột xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào cuối giờ chiều hôm qua, các đại biểu đã thống nhất đưa dự án cao tốc Bắc - Nam vào kỳ họp này để xin ý kiến Quốc hội.

Chiều 2/6, sau phiên thảo luận tại hội trường, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một phiên họp đặc biệt quan trọng để cho ý kiến về một số nội dung, trong đó có việc xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là những nội dung đặt ra trước khi khai mạc kỳ họp thứ 3, nhưng để bảo đảm thời gian cho các cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa vào chương trình. Việc bổ sung các nội dung này vào kỳ họp đang diễn ra là hết sức cần thiết.

Trình Quốc hội dự án cao tốc Bắc - Nam hơn 300.000 tỷ đồng
Uỷ ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để thẩm tra dự án, đưa ra phương án tối ưu nhất trình Quốc hội. (Ảnh minh họa)

Tại phiên họp này, đa số ý kiến tán thành đưa dự án cao tốc Bắc-Nam vào kỳ họp để xin ý kiến Quốc hội. Sau đó đoàn thư ký của Quốc hội sẽ sắp xếp lịch để đưa vào chương trình, xin ý kiến bước đầu của Quốc hội.

Các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã phân tích ưu - nhược điểm khi triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đa số đều cho rằng nếu dự án này triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích, phát huy được tiềm năng của các tỉnh, thành mà tuyến đường đi qua; giảm áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến quốc lộ 1.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất giao cho Uỷ ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan của Chính phủ thẩm tra dự án, đưa ra phương án tối ưu nhất trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.

Theo một số thành viên của cơ quan thẩm tra thì dự án này đang còn nhiều ý kiến khác nhau về cả quy mô và nguồn lực. Trong đó, băn khoăn không nhỏ là nếu đi vay thì vướng trần nợ công, còn nếu sử dụng nguồn trong nước thì ngân hàng sẽ phải "nới" hạn mức cho vay với dự án BOT.

Hạ Lan (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu