08:35 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thừa Thiên Huế: "Thót tim" sống trong những ngôi nhà cổ sắp sập

| 09:48 05/01/2017

(THPL) - Được biết đến là một vùng đất cổ kính với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, Cố đô Huế còn lưu giữ được rất nhiều di sản văn hóa quý báu mà người xưa để lại, trong đó phải kể đến những ngôi nhà cổ lợp ngói liệt men truyền thống. Thế nhưng do trải qua thời gian dài tồn tại nên nhiều ngôi nhà cổ hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, khiến các hộ dân phải sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu.

Vào đầu thế kỷ XIX, hai tuyến đường Bạch Đằng và Chi Lăng (phường Phú Cát, TP. Huế) là phố Gia Hội. Đây là trung tâm buôn bán sầm uất nhất xứ Huế với sự giao thương giữa người Việt và người Hoa lúc bấy giờ. Khi ấy, khu phố này được các thương gia giàu có chọn để xây các dinh thự theo lối kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt hiện nay, những ngôi nhà cổ ở Gia Hội dần dần biến mất. Số ít còn lại nằm lạc lõng sát bên những ngôi nhà cao tầng, cũng trong tình trạng xuống cấp, hư hại.

Ngôi nhà cổ số 158 Bạch Đằng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Hưng.

Điển hình là ngôi nhà cổ hơn 130 năm tuổi số 88 Bạch Đằng của ông Đặng Ngọc Châu (72 tuổi). Ông Đặng Minh Khoa (46 tuổi, cháu ông Châu) hiện đang cùng vợ sống ở đây không thể giấu nỗi lo lắng khi được hỏi về vấn đề trùng tu, bảo tồn ngôi nhà.

"Do thời gian xây dựng đã quá lâu nên hầu như kiến trúc của ngôi nhà bị xuống cấp, mục rỗng, nhất là phần mái bị hư hỏng quá nặng, nhưng vợ chồng tui cũng chưa có kinh phí để tu sửa", ông Khoa cho hay.

Để khắc phục tạm thời tình trạng trên, vợ chồng ông Khoa đành lấy tạm xốp và mấy tấm ni lông che chắn trên mái nhà để tránh bị dột vào mùa mưa, bộ cửa trước nhà cũng được ông dùng những khúc gỗ khác để chống đỡ tránh bị sập.

Người dân phải gia cố các cột kèo bằng dây thép tạm bợ. Ảnh: Ngọc Hưng.

Cách nhà ông Khoa một đoạn đường ngắn là ngôi nhà cổ “Đông Mậu” (số 158 Bạch Đằng, TP. Huế) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngôi nhà được xây dựng với kiến trúc truyền thống mái ngói liệt men và hiện là ngôi nhà duy nhất còn giữ đúng kiến trúc cổ xưa ở phố cổ Gia Hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xoa (48 tuổi), người đã sinh sống ở căn nhà này hơn 30 năm qua, phần lớn các hạng mục của ngôi nhà đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

"Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi được cha ông để lại nên rất quý, nhưng gia đình không có khả năng tu sửa nên đến nay nó đã bị xuống cấp. Hệ thống cửa gỗ, cột kèo, cầu thang... phần lớn đã bị hư hỏng do bị mối mọt ăn gần hết. Những ngày mưa gió, cả đêm tui cứ lo ngay ngáy, ngủ không yên vì sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào", ông Xoa than thở.

Để tránh bị dột vào mùa mưa, ông Khoa đành lấy tạm xốp và mấy tấm ni lông che chắn trên mái nhà. Ảnh: Ngọc Hưng.

Ngoài 2 ngôi nhà cổ nói trên thì hiện dọc tuyến đường Bạch Đằng, Chi Lăng còn có rất nhiều ngôi nhà cổ từ 100-200 năm tuổi, đang trong tình trạng xuống cấp tương tự. Nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà cổ bị hư hỏng nặng, không còn cách nào khác đành phải phá bỏ để xây mới. Một số ít gia đình tiến hành tu sửa, xây mới bờ tường, kèo cột để tránh sập, số còn lại vẫn phải liều mình sống trong những ngôi nhà cổ vì không có kinh phí để tu sửa.

Theo ông Trần Trọng Hòa- Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cát: “Hiện phường đang quản lý khoảng 23 ngôi nhà cổ nằm trên 2 tuyến đường Bạch Đằng và Chi Lăng. Từ năm 2002, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập Ban bảo vệ phố cổ Gia Hội và phê duyệt đề án bảo tồn khẩn cấp các ngôi nhà cổ. Tuy nhiên đến nay, đề án này đã rơi vào “quên lãng” khi các cơ quan chức năng chưa có sự quan tâm xứng tầm với giá trị của những căn nhà cổ”.

Ông Hòa cho biết thêm, thời gian qua, phường cũng đã vận động chủ nhà tự cải tạo nhưng nhiều gia đình quá khó khăn nên chưa thể sửa chữa được. Đối với các khu nhà cổ cần được bảo tồn, chính quyền phường đang lập hồ sơ để tiến hành tu sửa khẩn cấp nhằm giữ được giá trị văn hóa lịch sử của phố cổ Gia Hội mà người xưa để lại.

Ngọc Hưng

                                                                                                        

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu