08:49 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu ngành KHCN lắng nghe "hơi thở cuộc sống"

| 09:22 05/01/2017

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thủ tướng nhấn mạnh, phải tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học, phải làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 4/1, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành tại địa phương đến dự.

Không chỉ là phục vụ phát triển

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đánh giá cao kết quả mà Bộ KH&CN đạt được trong năm qua, đồng thời thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của KHCN đối với sự phát triển ngành, lĩnh vực của mình.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ KH&CN góp phần tích cực vào thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới cơ chế phát triển KHCN, góp công sức rất lớn vào việc tìm ra nguyên nhân của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bộ KH&CN cũng đã “3 cùng” với Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng các chương trình, đề tài ứng dụng KHCN vào nông nghiệp.

Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, ngành KHCN nên tập trung vào những mũi nhọn, những khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Nhất là hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; tập trung nhiều vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ cho nền kinh tế.

Cùng quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn khi gia nhập nhiều hiệp định thương mại Tự do (FTA) với các hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Bộ trưởng mong muốn ngành KHCN quan tâm vấn đề này để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước.

Hàng loạt dự án, nhà máy trong lĩnh vực công thương cần sự hợp tác của ngành KHCN trong vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ KH&CN, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá KHCN là động lực của ngành y tế, góp phần quan trọng trong dự phòng và điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Trong đó có việc tự chủ sản xuất nhiều loại vaccine tại Việt Nam, điển hình là vaccine Rotavirus, hiện chỉ 4 nước trên thế giới có thể sản xuất. Ngoài ra, các ứng dụng KHCN đã giúp chữa trị và tiến hành thành công việc ghép tạng.

Các ý kiến đều cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước lấy KHCN làm động lực phát triển là hướng đi đúng đắn, nhưng việc triển khai chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần có cơ chế về tài chính làm động lực, khuyến khích và thu hút người tài về KHCN. Đào tạo ra những chuyên gia giỏi về KHCN, tập trung vào những lĩnh vực mà kinh tế-xã hội đang cần thay vì dàn trải.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường lấy ví dụ về trường hợp Tập đoàn Viettel, xuất phát từ một công ty sản xuất, sửa chữa các sản phẩm vô tuyến điện, ngày nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Đây là một điển hình trong việc coi trọng đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KHCN. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KHCN xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KHCN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung. Sự phối hợp tham gia giữa các bộ, các tỉnh về KHCN nhịp nhàng hơn.

Bước đầu trong chỉ đạo đã coi trọng ứng dụng KHCN, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo đạt mức tương đối nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Chúng tôi nhận thấy rằng điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của Nhà nước”, Thủ tướng nói, đồng thời chỉ ra một tồn tại nữa là nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho KHCN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước.

Quản lý nhà nước trên một số mặt có tiến bộ nhưng còn bất cập như đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ…

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

6 yếu tố để KHCN thành công

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KHCN thành công thì phải có 6 yếu tố là: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KHCN.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương.

Ngày xưa, Bác Hồ chúng ta làm được thì trong thế giới phẳng và hòa bình như ngày nay thì con cháu của Bác cũng phải làm được. Chúng ta thấy như là bác Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch… Trên thực tế chúng ta thấy có nhiều cá nhân trẻ tuổi tài năng”, Thủ tướng nói và dẫn ví dụ về trường hợp một nhà khoa học Việt kiều, mặc dù không am hiểu nông nghiệp, nhưng khi về quê ở Nam Bộ, thấy nước mặn lên xuống, bà con nông dân không biết, lấy nước mặn tưới cây ăn quả rồi bị thiệt hại nặng, nên ông đã đặt hệ thống quan trắc tự động để phát hiện nước mặn.

Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KHCN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là giải phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KHCN thì chính Bộ KH&CN phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ.

Phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu. “Không để tình trạng như vừa qua, thừa quá nhiều, anh nào cũng tin học, anh nào cũng kế toán, khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên thì ít có người đi học…”. Thủ tướng lưu ý Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong vấn đề này.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phải xem cuộc sống cần gì

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu KHCN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ, để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau.

Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì "rơi rụng" về chuyên môn, trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. “Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả”, Thủ tướng nói.

Cho rằng toàn cầu hóa là cơ hội to lớn, nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ bị tụt lại xa hơn, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KHCN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KHCN; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về KHCN.

Cán bộ KHCN đã giỏi chuyên môn rồi còn phải biết kinh tế, phải vận dụng vào kinh tế, vào đời sống, phải có thực tiễn. Chứ KHCN giữa trời thì làm sao biết đời sống sản xuất ra làm sao”, Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ và các đơn vị trong hệ thống KHCN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất).

Đi liền với đó, cán bộ ngành KHCN cần tăng cường chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo Nghị quyết Trung ương 4.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Các tổ chức khoa học và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, phải biết công nhân, nông dân yêu cầu gì, học làm ăn và sinh sống như thế nào, họ cần được giúp đỡ, chuyển giao, phổ biến những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào” mà đến nay còn nguyên giá trị, Thủ tướng chúc ngành KHCN phát huy kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém để tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa, phấn đấu đưa KHCN thực sự trở thành động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững.

 Theo Baochinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu