00:18 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng: Nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến đóng góp để sửa SGK lớp 1

15:47 20/10/2020

(THPL) - Sáng nay 20/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đã có nhiều nội dung quan trọng được đề cập đến như: tình hình lũ lụt tại miền Trung, dịch bệnh COVID-19, sách giáo khoa mới...Trong đó, sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống, nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung gây nhiều tổn thất về người và tài sản.

“Chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sỹ cả nước và với sự giám sát của Quốc hội, tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là tại miền núi phía Bắc và miền Trung, bảo đảm cuộc sống an toàn và sinh kế cho người dân. Tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi quốc gia và từng vùng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc (Nguồn: báo Tiền phong)

Báo Dân trí đưa tin, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933.

Theo đó, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Đề cập những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa lớp 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay”.

Báo Tiền phong đưa tin, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng mừng, có giải pháp phù hợp đối với các hoạt động thể thao, du lịch nhằm thích ứng với điều kiện dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất bức xúc và phản ánh về tình trạng còn nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng; tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là thanh, thiếu niên; cần sớm có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường.

 Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn.

Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, việc công khai giá trang, thiết bị y tế trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm trục lợ. Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân, điển hình như vụ việc vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nỗ lực chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn ra, điển hình như vụ ngộ độc liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới; việc bảo đảm an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, trường học, khu công nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; mong muốn các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm hơn nữa đến bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng về chất lượng của một số loại thuốc chữa bệnh; phí dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng khám, chữa bệnh vẫn chưa tăng tương xứng; cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn ở một số nơi, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn vẫn diễn ra.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu