22:09 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng Chính phủ: Không để tình trạng trì trệ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Minh Đức (tổng hợp) | 10:17 03/07/2020

(THPL) - "Trong bối cảnh hiện nay, cần làm ngay, làm càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Một tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương vào chiều ngày 2/7, với 43 kiến nghị trực tiếp tại hội nghị, 311 kiến nghị gửi bằng văn bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ KH&ĐT, VPCP tiếp thu, hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ với tinh thần tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Công lý, kết luận một số nội dung, thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%. “Khó khăn gấp đôi, ta phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi mà phải tiến công để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình”.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Công lý)

Từng bộ, từng địa phương thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay.

Đưa ra một số quan điểm, định hướng chủ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại.

Đồng thời phải phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập.

Cùng với đó, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng. Tiếp tục kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn của toàn cầu. Giảm giá dịch vụ du lịch nhưng không giảm chất lượng.

Chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị các ngành, hệ thống tài chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương có thể bơm thêm tiền cho an sinh xã hội, không để ai quá khổ, quá khó khăn. “Chính phủ sẽ xem xét tình hình thế giới để mở cửa thế nào, mở cửa đến đâu để đảm bảo an toàn cho đất nước”. Không chủ quan trước dịch bệnh.

Theo báo Đầu tư thông tin, ngoài ra tại hội nghị, Thủ tướng nhắc lại việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương. Phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng. “Đồng chí bí thư, chủ tịch đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ”.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020. “Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn”, Thủ tướng quả quyết. Ông khẳng định, việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.

Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.

Về tài khóa, Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký ô tô, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…

BHXH nghiên cứu báo cáo cấp thẩm quyền về việc tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc tạm dừng hoặc miễn đóng BHXH. Công đoàn nên xem xét miễn, giảm phí công đoàn 2% trong năm nay. “Chúng tôi đã đưa ra Chính phủ thảo luận và trình Quốc hội miễn lệ phí trước bạ 50% đối với xe lắp ráp trong nước thì số xe bán ra những ngày vừa qua tăng trên 30-40%”, Thủ tướng lấy ví dụ về việc kích thích thị trường tiêu dùng trong nước với những giải pháp cụ thể

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương phấn đấu năm nay không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu. Về công nghiệp xây dựng, Thủ tướng nêu rõ, tạo điều kiện cho người dân làm nhà.

Nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng đề nghị “các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải nghe xem doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá thể trên địa bàn của mình khó khăn như thế nào để mà tháo gỡ, tạo điều kiện. Chứ còn chúng ta chỉ nghe chung mà không nghe xử lý cụ thể thì khó có thể tạo ra môi trường đầu tư”.

Làm tốt công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng nhắc đến việc đưa bà con có nhu cầu về nước (con số này vào khoảng 14.000 người). Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT bố trí phương tiện để xử lý vấn đề này.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi xin đề nghị các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí Bí thư, các đồng chí Chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể”, Thủ tướng bày tỏ.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu