13:14 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thổn thức với tiếng khèn Mông của nghệ nhân Mùa A Thào

09:07 04/07/2023

(THPL) - Cây khèn của người Mông đã gắn bó với nghệ nhân Mùa A Thào từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ mùa nương này đến mùa nương khác, nay đã 85 tuổi.

Thanh âm của sự lạc quan

Lúc da diết, khi trầm bổng.. tiếng khèn Mông bay lên qua những đám mây trên dãy núi trùng điệp của vùng cao nguyên đá. Từ bao đời nay, tiếng khèn là sợi dây kết nối giữa thế giới hiện hữu với cõi tâm linh, là tiếng lòng tự sự, là niềm vui, nỗi buồn riêng có của người Mông. Vì thế, cây khèn trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông trên rẻo cao Tây Bắc. 

Được mệnh danh là nóc nhà của Lai Châu, cao nguyên Sìn Hồ mang trong mình cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, lãng mạn. Trong bức tuyệt sắc ấy chính là văn hoá dân tộc đặc sắc của người Mông, bởi người Mông là một trong số ít các dân tộc còn gìn giữ được nguyên vẹn những nét đặc sắc văn hoá dân tộc trước tác động của thời gian và yếu tố khách quan. 

Nghệ nhân Mùa A Thào thổi khèn Mông cho các cháu thiếu nhi huyện Sìn Hồ nghe.

Theo nghệ nhân Mùa A Thào, khi sống trên những đỉnh núi cao, nghĩa là phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Ấy thế mà hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Mông vẫn bám trụ sinh con đẻ cái lao động sản xuất. Dù sống trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn nhưng trong đời sống của họ lúc nào cũng có tiếng khèn làm người bạn. Thứ thanh âm của sự lạc quan, kiên cường và bền bỉ như cuộc đời của chính họ. 

“Con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc

Con gái không biết nghe khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”.

Câu dân ca của người Mông vẫn thường hay hát trong những ngày lao động trên nương. Giữa đại ngàn núi đá, tiếng khèn gắn với họ trên mọi nẻo đường, là tiếng lòng của họ lúc tiễn biệt nhau về bên kia thế giới, lúc nhớ thương người yêu, lúc lên nương làm rẫy…

Sự cầu kỳ trong chế tác

Thổi khèn hay đã khó mà làm ra được cây khèn Mông tốt càng khó hơn. Vì bản thân người làm khèn phải nắm giữ hồn cốt trong tiếng khèn của dân tộc mình. Trong ký ức của ông vẫn còn nguyên vẹn thanh âm của tiếng khèn, khi dìu dặt réo rắt lúc khoan thai buồn bã. Mỗi khi bản làng có đám hiếu hay trong những phiên chợ rộn ràng, những lễ hội mùa xuân tưng bừng đón chào năm mới mà ai ai cũng mong ngóng. 

Nghệ nhân  Mùa A Thào theo cha học làm khèn từ năm 6 tuổi, ông đã gìn giữ được nét độc đáo riêng biệt của dân tộc mình. Để làm được điều ấy, ông phải mất gần 20 năm để vừa học vừa làm nghề với nhiều khó khăn cũng như những người thợ khác mới có thể tự tay làm ra được một cây khèn chuẩn hội tụ đủ các tiêu chuẩn của người Mông.

Tưởng chừng cây khèn đơn giản nhưng để làm được phải trải qua rất nhiều công đoạn hết sức phức tạp đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm khèn.

Một trong những nguyên liệu làm nên cây khèn Mông chính là từ cây trúc ven suối, ven rừng. Trúc phải là trúc già hơn 10 năm tuổi, thẳng, chắc, đẹp; những ống trúc đó sau khi đem về sẽ được phơi khô. 

Nghệ nhân Mùa A Thào chia sẻ: “Một cây khèn thường có 6 ống, được gộp trục lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống. Khèn Mông có ba bộ phận chủ yếu. Bầu khèn được làm chủ yếu từ gỗ thông. Ống khèn được làm từ ống trúc và những chiếc lưỡi gà làm bằng đồng. Tác dụng của lưỡi gà làm để tạo nên thứ âm thanh trầm bổng khi được lắp vào ống khèn.

Rèn lưỡi gà là công đoạn khó nhất khi làm khèn. Ống dài phát ra âm trầm. Ống ngắn phát ra âm bổng riêng ống ngắn nhất có 2-3 lưỡi gà”.

Nghệ nhân Mùa A Thào được bà con người Mông và thế hệ trẻ ví như cây pơ mu trên cao nguyên Sìn Hồ
Trong căn nhà nhỏ, mỗi khi vui buồn, nghệ nhân Mùa A Thào lại mang khèn ra thổi và chia sẻ kỹ thuật thổi, trình diễn khèn Mông với người bạn đời Hạng Thị Sua.

Chế tác khèn trước nay vẫn là công việc thủ công của đồng bào dân tộc Mông. Các nghệ nhân làm khèn thủ công thường đo bằng tay, ngắm bằng mắt để làm khèn mà không có quy chuẩn chung. Nhưng tại một số địa phương, để bảo tồn nghề làm khèn truyền thống của đồng bào, chính quyền đã hỗ trợ người dân trang bị một số máy móc để thuận lợi hơn trong công việc. Tuy nhiên, một người thợ giỏi vẫn chủ yếu dựa vào con mắt, vào cảm nhận, kinh nghiệm lâu năm để biết khi nào chiếc khèn đạt chuẩn. 

Những phiên chợ vùng cao bao giờ cũng là nơi vui nhất, đáng mong chờ nhất của bà con các dân tộc. Họ xuống chợ, mang theo đủ các loại nông sản, hàng hóa để mua bán, trao đổi. Và cũng không bao giờ thiếu những cây khèn Mông. Xuống chợ, nghe tiếng khèn gọi bạn, thấy niềm vui như rộn ràng hơn trong lồng ngực... 

Hiện nay, nghệ thuật múa khèn Mông ở Lai Châu nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc. Những đóng góp trong công tác lưu giữ, truyền dạy bộ môn nghệ thuật độc đáo này của nghệ nhân Mùa A Thào thật trân quý. Với những cống hiến trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân tộc, năm 2019, nghệ nhân Mùa A Thào vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Giữa núi rừng Tây Bắc, những thanh âm trong trẻo của tiếng khèn vang cao, vang xa, hòa trong không gian hùng vĩ của đại ngàn, là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp văn hoá truyền thống, là niềm tự hào bao đời nay của đồng bào Mông nơi rẻo cao Tây Bắc.

Quốc An (Bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu