11:34 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thiết kế sáng tạo quyết định năng lực cạnh tranh của hàng thủ công mỹ nghệ

10:29 08/10/2024

(THPL) - Dù dồi dào tiềm năng phát triển nhưng ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam chưa thu được giá trị như mong đợi, chưa tạo nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Một trong những nguyên nhân chính do chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng trong khâu thiết kế sáng tạo.

Tại nhiều quốc gia phát triển, thiết kế sáng tạo là yếu tố luôn luôn được chú trọng đầu tư để tạo nên năng lực cạnh tranh quốc gia. Quốc gia có thứ hạng năng lực cạnh tranh cao cũng chính là quốc gia có năng lực thiết kế tốt nhất.

Điển hình như Hàn Quốc. Từ nhiều thập kỷ trước họ đã triển khai chiến lược thiết kế quốc gia sâu rộng. Từ năm 1970 đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều để xây dựng các trung tâm thiết kế ở các thành phố… Những trung tâm này đều có khu vực triển lãm, bảo tàng thiết kế, học viện thiết kế điện tử, trung tâm thông tin, trung tâm tạo mẫu và các thiết bị hiện đại.

Thiết kế sáng tạo đóng vai trò sống còn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ ở qui mô quốc gia mà còn ở qui mô của từng ngành hàng, của từng doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cho đến nay, gần 50 quốc gia đã có chính sách phát triển hệ thống thiết kế cho riêng mình. Mục đích của họ là tạo ra giá trị cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu.

Theo một chuyên gia thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế: “Thiết kế là linh hồn của sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục. Thiết kế tốt tạo ra doanh nghiệp tốt”…

Không gian Triển lãm “Thiết kế Sáng tạo thủ công” trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế năm 2023 (Nguồn: VOV5)

Soi vào bức tranh ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay, một thực tế diễn ra từ nhiều năm là mẫu mã sản phẩm từ các làng nghề đang yếu về mặt thiết kế. Hiện có tới 90% số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, do chúng ta còn thiếu sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, những mẫu thiết kế của nước ta còn thiếu tính thương mại nên rất khó để xuất khẩu ra thị trường quốc tế; khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Sự chậm thay đổi mẫu mã, thiếu đầu tư cho thiết kế sáng tạo đã khiến sức hấp dẫn của thủ công mỹ nghệ Việt bị giảm đáng kể. Đây đang là một trong những rào cản lớn nhất trên con đường giữ vững và mở rộng thị trường của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược bài bản và dài hạn đầu tư phát triển thiết kế sáng tạo. Từ đó thúc đẩy gia tăng giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt trên thị trường thế giới.

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu