02:28 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thiên tai gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022

09:35 29/06/2022

(THPL) - Theo tin từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Mưa lũ lớn bất thường, trái mùa xảy ra liên tiếp, trên diện rộng và tại nhiều nơi.

Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 6/2022, mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa lũ, tuy nhiên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã phải ban hành nhiều công điện chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, các loại hình thiên tai đã làm ít nhất 67 người chết và mất tích (chủ yếu là do mưa lũ, dông lốc sét). Bên cạnh đó là thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.014 tỷ đồng tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.

Đáng chú ý, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, cho biết lượng mưa từ tháng 7 - 9/2022 tại khu vực phía Bắc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng cao hơn từ 15 - 40% so với trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy những nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu các bộ ngành, địa phương không chủ động ứng phó.

Thiên tai gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Ảnh: Internet

Thông tin thêm về công tác phòng, chống thiên tai 6 tháng đầu năm 2022, báo Kinh tế và Đô thị cho hay, theo đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, đơn vị đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai Quốc gia đến năm 2025. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến 2030.

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai Quốc gia. Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ năm 2022. Hướng dẫn các địa phương đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2022 và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm. Rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch Phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục cũng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập trước mùa mưa lũ. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai khác.

Về tình hình áp thấp trên biển Đông, theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào 1 giờ sáng nay 29/6, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 30/6, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 1/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang tiếp tục theo dõi cường độ và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới đầu tiên trên Biển Đông năm nay.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động. Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Trên đất liền, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới và vùng hội tụ gió trên cao phát triển mạnh nên từ chiều tối và đêm nay đến hết đêm mai, Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Dự báo lượng mưa ngày và đêm 29/6 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu