05:56 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thêm 200.000 liều vaccine COVID-19 cho trẻ em từ Ấn Độ về đến Việt Nam

10:15 20/12/2021

(THPL) - Rạng sáng 20/12, sau khi chuyên cơ chở đoàn công tác cấp cao của Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đáp xuống sân bay Nội Bài, Văn phòng Quốc hội phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ bàn giao vaccine, vật tư, nguyên liệu điều chế thuốc và kinh phí được Hàn Quốc, Ấn Độ viện trợ, ủng hộ cho các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt đoàn công tác bàn giao cho Bộ Y tế và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 200.000 liều vaccine Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ; chuyển giao toàn bộ công nghệ và 1 tấn nguyên liệu bào chế hơn 4,7 triệu viên thuốc Movinavir 200 mg điều trị COVID-19 do Công ty Optimus Pharma (Ấn Độ) phối hợp với Công ty Mekophar (Việt Nam) sản xuất.

Bên cạnh đó, hai bên đã bàn giao 2 tỷ won (tương đương 40 tỷ đồng) do Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc) ủng hộ cùng với BIDV để triển khai các hoạt động an sinh xã hội bao gồm: Chương trình tặng 65 xe cứu thương và xây nhà văn hóa, nhà tránh lũ.

Toàn bộ vaccine và lô hàng viện trợ từ Hàn Quốc, Ấn Độ được đoàn công tác trao cho các cơ quan của Việt Nam. Ảnh: Zing.vn

Theo Zing.vn, với lịch trình ngoại giao dày đặc gần 70 hoạt động liên tục tại 2 nước, trong đó có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các hoạt động giao lưu hợp tác, kết nối các địa phương, doanh nghiệp hai bên... đã tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

Chuyến công tác đạt kết quả toàn diện về chính trị, đối ngoại, ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao vaccine, ngoại giao nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, đã có 9 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam ký kết với Hàn Quốc và Ấn Độ; 39 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận hợp tác được trao trong chuyến công tác với giá trị 15 tỷ USD.

Theo báo VTC News, trước đó ngày 19/12, Thủ tướng ra công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Công điện nêu, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn nhiều, trong khi chưa có cơ sở để xác định độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng  vẫn cao hơn đáng kể so với chủng Delta. Kể cả trong trường hợp độc lực của chủng Omicron thấp hơn chủng Delta, nhưng với tốc độ lây lan nhanh hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải dẫn tới tử vong nhiều người.

Trong nước, dù chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng số người nhiễm bệnh, số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn có xu hướng gia tăng và hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ Trung ương và các địa phương khác.

Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Bộ Y tế cần hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết phù hợp với diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

Tất cả các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành được yêu cầu tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương sẽ thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao; bảo đảm phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine.

Các địa phương cần được đảm bảo cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho tất cả người bị nhiễm COVID-19 có nhu cầu được uống sớm nhất, không để tình trạng thiếu thuốc.

Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải; rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động; không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện các công cụ công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương để triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả, thực chất; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu