01:27 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Vụ tai nạn lao động tại huyện Nga Sơn khi nào mới sáng tỏ?

13:19 13/11/2021

(THPL) - Sau hơn 3 tháng kể từ thời điểm xảy ra vụ tai nạn lao động khiến anh L tử vong, đến nay, nhiều nội dung liên quan vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Tai nạn thương tâm

Trước thông tin vụ tai nạn thương tâm, phóng viên đã liên hệ UBND xã Nga Thủy, UBND huyện Nga Sơn để ghi nhận sự việc. Theo đó, ngày 28/7/2021, trên địa bàn xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa có xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một nạn nhân tử vong. Nạn nhân là anh Trịnh Văn L (sinh năm 1984, trú tại xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) là công nhân của Công ty Cổ Phần Trung Nam 18 E&C.

Tai nạn xảy ra khi anh L cùng nhiều công nhân khác đang thực hiện thi công gói thầu Xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị Tiểu dự án Hệ thống thủy lợi Sông Lèn của công trình xây dựng đập ngăn mặn Đò Gảnh, thuộc địa phận thôn Hoàng Long, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn. Được biết, gói thầu này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đầu tư.

Quá trình làm việc, trong khi đang trực tiếp thi công đập ngăn mặn Đò Gảnh, anh Trịnh Văn L đã bị phần phía sau của máy cẩu cần trục do anh Nguyễn Duy Phương điều khiển va phải. Hậu quả, anh L bị thương nặng. Dù được một số công nhân làm việc tại công trường đưa đi cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng, anh Trịnh Văn L đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Tiểu dự án Hệ thống thủy lợi Sông Lèn, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm.

Nhiều điểm “bất thường”

Liên quan đến sự việc, phóng viên của TH&PL đã đến ghi nhận trực tiếp tại hiện trường và trao đổi với các nhiều nhân chứng tại đây. Cụ thể, theo phương án thi công và sự điều hành của tổ trưởng, anh Nguyễn Duy Phương, người có bằng cấp nghề vận hành cần trục được giao nhiệm vụ điều khiển máy cẩu chuyển số vật tư (các trục kim loại) từ bãi tập kết phía tây sang bãi tập kết phía đông công trường (cách nhau khoảng 100m), còn anh L và một số người khác có trách nhiệm tháo móc buộc các trụ kim loại từ dây đai hàng ra khỏi đầu móc của máy cẩu.

Sau khi tháo móc xong theo đúng như nhiệm vụ được giao, trong khi số công nhân đi lại phía trước của máy cẩu để đảm bảo an toàn cho máy cẩu làm việc, anh L đi đến vị trí phía sau bên phải, trong phạm vi hoạt động của máy cẩu để đứng và vị trí này ngoài tầm quan sát của người điều khiển máy cẩu.

Khi máy cẩu hoạt động và xoay ngang sang bên trái thì khối đổi trọng (bằng kim loại) gắn phía sau máy cẩu đã gạt, ép anh L vào cạnh trên của trục kim loại chữ H (đặt cạnh máy cẩu, trên nền đất) khiến cho anh L bị thương tích nặng, sau đó tử vong trên đường được đưa đến bệnh viện.

Qua nội dung ghi nhận nêu trên, phóng viên đã liên hệ trao đổi với ông Trịnh Khắc Huấn – Chủ tịch UBND xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn và được biết, đến thời điểm bây giờ, phía UBND vẫn chưa có văn bản thông tin chính thức về vụ việc trên.

Trong khi đó, tại Khoản 2 Điều 35 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định như sau: “Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.”

Văn bản cũng nêu rõ, thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và một số thành viên khác.

Bên cạnh đó, tại điểm d, Khoản 6 Điều 35 Luật an toàn vệ sinh lao động cũng có quy định: “Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y.

Trường hợp các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Đối với tai nạn lao động được quy định tại các điểm b, c và d của khoản này có tình tiết phức tạp thì được gia hạn thời gian điều tra một lần nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định tại các điểm này; Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động đối với tai nạn lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản này”.

Từ quy định của pháp luật nêu trên, có thể thấy sự việc tai nạn khiến anh Trịnh Văn L bị tử vong vào ngày 28/7/2021 đã và đang có nhiều dấu hiệu “bất thường” về trình tự, thủ tục, thời hạn xử lý, giải quyết của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Mặt khác, sau hơn 3 tháng, vẫn chưa có đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đến thanh tra, kiểm tra, xác minh và làm sáng tỏ sự việc, trong khi luật đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan này.

Một người dân tại huyện Nga Sơn bày tỏ, nếu việc thi công công trình tại dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn luôn đảm bảo tất cả các quy định về an toàn lao động, máy móc đạt chuẩn và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng với chính quyền xã thì sự việc có thể đã không xảy ra, cũng như anh L đã không gặp tai nạn thương tâm…

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này đến bạn đọc.

Lưu Kỳ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu