19:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Thăng trầm nghề đan cót làng Giàng

06:00 13/09/2017

(THPL) - Được xem là một trong những ngành nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, nhưng trải qua biết bao biến cố của thời gian, lịch sử cùng tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, nghề đan cót tại làng Giàng (xã Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ mai một.

Làng Giàng vốn có lịch sử phát triển lâu đời ven bờ sông Mã, dưới Ngã Ba Đầu, đây từng là địa điểm của thành Tư Phố thời nghìn năm Bắc thuộc và đất trấn thành của tỉnh Thanh Hóa từ thời Hậu Lê đến thời Tây Sơn.

Từ biết bao đời, người xưa đã đến vùng đất này để trao đổi, mua bán hàng hóa. Trong đó, không thể không thể không nhắc đến tấm cót Giàng- một biểu tượng đan lát đẹp bền, độc đáo, ít nơi nào có được (theo Địa chí huyện Thiệu Hóa).

Trên thực tế, nghề đan lát tại đây tồn tại từ rất lâu, phát triển thịnh hành, các sản phẩm chủ yếu là cót, nan, rổ, rá, thúng, mủng… nhưng cót mới là mặt hàng sản xuất nhiều, nổi tiếng nhất.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, cót làng Giàng vẫn có mặt ở khắp các chợ quê trong huyện, thành phố, với nhu cầu sử dụng khác nhau. Nhiều năm trở lại đây, người dân làng Giàng chuyển sang làm cót ép, dần dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một số người dân tham gia đan cót.

Để tạo ra một tấm cót ưng ý, bắt mắt, công đoạn cũng khá cầu kỳ, tỉ mỉ. Đầu tiên, người ta phải chọn loại nứa, vầu bánh tẻ, không được non, cũng không được già, dụng cụ chặt nứa là con dao rựa sắc. Tiếp đến, người dân dùng một con dao cau (dao lá bài) chẻ nan, nan chẻ xong được đem phơi sấy khô rồi bó lại, để chỗ khô ráo.

Ông Dương Khắc Lý (trưởng thôn 1, xã Thiệu Dương) cho biết, trước đây nghề đan cót mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con, sản phẩm bán ra không bao giờ ế ẩm. Thế nhưng, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, nghề đan cót đang dần mai một, có nguy cơ bị xóa sổ. Người dân không còn mặn mà với nghề nữa do thu nhập thấp so với nhu cầu cuộc sống. Hiện nay, công nhân đi làm thêm tại các công ty, nhà máy có mức lương ổn định, chỉ còn lại người già và trẻ con bám trụ với nghề này.

Là một người lâu năm trong nghề, đôi tay đã không biết bao lần đổ máu do cứa vào tấm cót, chị Lê Thị Hảo (thôn 3) chia sẻ: “Ngày xưa, cả làng, cả xã đều làm nghề này, tuy nhiên đến nay chỉ còn lác đác vài chục hộ, chủ yếu bây giờ làm gia công cho chủ, mà chỉ tranh thủ lúc thời gian nhàn rỗi, chứ trông chờ vào mấy tấm cót này chắc không đủ ăn". 

Bà Lê Thị Tiến (thôn 4) cho hay, để đan cót, người đan phải khéo léo, lại vừa nhanh tay tránh bị nứa cứa, bàn tay uốn thoăn thoắt trên tấm cót dài. Tuy cuộc sống không lấy gì giàu sang, nhưng cũng vì nghề này, bà đã nuôi dạy 3 con ăn học thành tài, ai cũng có nghề nghiệp ổn định. Giờ đây, khi cuộc sống đã có phần dư giả, con cháu đều khuyên bà bỏ nghề, nhưng với cái nghiệp đã gắn bó hơn 30 năm nay khó mà bỏ được.

Theo tìm hiểu, một tấm cót có chiều dài trung bình 3m, rộng 1m, trong khi đó người lao động một ngày làm được từ 2 – 3 tấm, với mức thu nhập bèo bọt 42.000đ/tấm cót, phần lớn người dân không hứng thú với nghề nữa. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu hiện nay khan hiếm, thị trường không mở rộng, không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ghé thăm gia đình chị Đoàn Thị Thanh (thôn 1), người có thâm niên 10 năm làm nghề, trong khoảng sân rộng chừng 70m2, chứng kiến những người phụ nữ với đôi tay thoăn thoắt, cặm cụi, người chẻ nan, người đan thành tấm cót hoàn chỉnh, chúng tôi không khỏi xót xa bởi cái nghề được xem là truyền thống, mang lại “cơm áo, gạo tiền” cho người dân, giờ đây đang đứng trước bờ vực mai một. 

Rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người dân.

Trao đổi với ông Dương Khắc Thành, chủ cơ sở thu mua cót duy nhất của xã Thiệu Dương, đồng thời chuyên bao tiêu sản phẩm cho xã thì được biết, với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống cho người dân, ông đã lặn lội từ Nam ra Bắc, ngược xuôi ngày đêm trăn trở cùng nghề. Đến nay, cơ sở của gia đình ông thu hút trên 217 lao động, chủ yếu giao khoán tại nhà cho các hộ tự làm. Bình quân sản phẩm làm ra trên 10 vạn tấm/tháng, trừ chi phí, hàng tháng gia đình có thu nhập trên 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Dương cho biết: "Toàn xã hiện có 3.047 hộ với tổng số 10 thôn, trong đó có 3 thôn nội đê, 7 thôn ngoại đê. Trước kia nghề đan cót là nghề mũi nhọn, mang lại thu nhập cho người lao động, đến nay chỉ lác đác vài chục hộ làm nghề, rải rác trên tất cả các thôn, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ tranh thủ thời gian nông nhàn. Từ khi xã lên thành phố, cùng sự phát triển kinh tế không ngừng, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, xét thấy nghề đan cót không mang lại hiệu quả lâu dài, người dân đổ xô đi làm công ty, doanh nghiệp". 

Tính đến thời điểm hiện tại, xã Thiệu Dương đã hình thành cụm công nghiệp với 5 công ty lớn - nhỏ, hàng năm thu hút trên 300 lao động, trong khi đó chính quyền địa phương cũng chưa có động thái nhằm lưu giữ, khôi phục làng nghề đan cót.

Việc bảo tồn và phát triển nghề đan cót làng Giàng không chỉ là băn khoăn, trăn trở của những nghệ nhân tâm huyết với nghề, mà còn là dấu hỏi lớn cho thực trạng chung tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh trong sự biến động không ngừng của cơ chế thị trường.

Trung Lê

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu