10:28 ngày 27/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Nhiều xã, phường miền xuôi bị ngập sâu trong nước lũ

21:13 23/09/2024

(TH&PL) – Trong ngày 23/9 tại tỉnh Thanh Hóa, do mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ nên nhiều hộ dân ở các huyện như Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, Hậu Lộc… đã bị ngập sâu trong nước, việc đi lại khó khăn, phải sơ tán đến nơi an toàn.

Trước ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa từ ngày 21 đến 23/9 đạt 120-130mm, huyện Thiệu Hoá đã huy động lực lượng, nhanh chóng thực hiện phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn, theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm thực phẩm và nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán dân.

Tính đến 13h30’ ngày 23/9, đã thực hiện sơ tán 242/945 hộ dân cùng tài sản, máy móc, gia súc, gia cầm... của 12 xã, thị trấn như Thiệu Duy, Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp, Thiệu Phúc, Thiệu Thành... đến nơi an toàn.

Người dân thị trấn Vạn Hà chạy lũ đêm qua tại chợ Vạn Hà.

Cũng trong đêm 22/9, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS đã huy động lực lượng công an, quân đội và đông đảo người dân huyện Thiệu Hoá hỗ trợ các tiểu thương ở chợ Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hoá di dời 350 ki-ốt, bảo đảm hàng hoá không bị thiệt hại.

Thống kê sơ bộ của huyện Thiệu Hoá cho thấy, toàn huyện có khoảng 1.500ha đất bãi ven sông hầu hết đã ngập, trong đó, có khoảng 300ha rau, màu; thiệt hại gần 7ha nuôi trồng thuỷ sản tại các xã Thiệu Long, Thiệu Toán, thị trấn Thiệu Hoá.

Ban chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS huyện Thiệu Hoá tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người và di dời tài sản của Nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập úng theo phương án đã phê duyệt.

Dân quân tự vệ giúp dân chạy lũ ở huyện Thiệu Hóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h nghiêm túc, thường xuyên thực hiện báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy; thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệu hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để phòng ngừa chủ động, ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả...

Sáng 23/9, mực nước sông Chu, sông Mã chảy qua 2 phường Thiệu Khánh, Thiệu Dương, TP Thanh Hóa dâng cao, khiến người dân sinh sống khu vực ngoại đê bị ngập lụt cục bộ, giao thông đi lại khó khăn.

Lực lượng công an, dân quân tự vệ giúp dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Cụ thể ở phố Giang Thanh (phường Thiệu Khánh) hiện có 171 hộ với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống khu vực ngoại đê sông Chu, do mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt cục bộ. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã di dời 25 hộ với 81 nhân khẩu đến nơi an toàn, còn lại 70 hộ di dời tại chỗ.

Ngoài khu vực phố Giang Thanh, chính quyền phường Thiệu Khánh cũng đã kịp thời di dời 12 hộ/31 nhân khẩu của phố Dinh Xá và 71 hộ/ 245 nhân khẩu của phố 9 đến nơi an toàn.

Lãnh đạo UBND huyện Thiệu Hóa kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại tại xã Thiệu Long.

Theo ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa cho biết: Toàn phường có 10 phố, trong đó có 7 phố ngoại đê, với hơn 6.000 dân. Thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã chủ động di dời 584 nhân khẩu ở vùng ngập lụt, trong đó chủ yếu di dân tại chỗ, còn lại một số trường hợp neo đơn, già cả, cách biệt khu dân cư cũng đã được di dời đến an toàn. Mực nước lũ trên địa bàn được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức báo động III, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự phường tiếp tục theo dõi, chủ động triển khai nhiệm vụ theo phương án đề ra.

Người dân phường Thiệu Dương bị ngập sâu trong nước.

Tại huyện Hậu Lộc, tính đến 16h ngày 23/9, huyện Hậu Lộc đã di dời 76 hộ, 272 nhân khẩu đến nơi an toàn (trong đó, đê Tả Lạch Trường 46 hộ với 168 nhân khẩu; đê hữu Sông Lèn 30 hộ với 104 nhân khẩu); nâng kê và di dời tài sản cho 582 hộ.

Trước tình hình mưa lũ, Tiểu ban Di dân - Ứng cứu xử lý tình huống (Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Hậu Lộc) đã xây dựng phương án di dân, ứng cứu, xử lý tình huống trên các sông có đê và được quy định cấp báo động lũ cần phải sơ tán khu vực ngoài đê và vùng sạt lở khi xả lũ thủy điện, ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc và rãnh thấp qua Bắc Bộ.

Huyện Hậu Lộc kiểm tra tình hình khắc phục mưa lũ của nhân dân.

Theo đó, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng, nguy hiểm phải huy động toàn bộ các loại phương tiện tham gia di dân về vị trí an toàn, dễ điều động, chuẩn bị các điều kiện hậu cần khác và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ di dân khi có lệnh. Các xã nằm trong vùng nguy hiểm, cần di dời, sơ tán người dân là Triệu Lộc, Đại Lộc, Đồng Lộc, Phong Lộc, Cầu Lộc, Thuần Lộc, Xuân Lộc, Hòa Lộc, Quang Lộc, Hưng Lộc. Đây là các xã có nhiều hộ dân sinh sống ở ngoài đê sông Lèn, sông Lạch Trường.

Thống kê sơ bộ, toàn huyện Hậu Lộc có 37 hộ, 141 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các thôn Sơn Thượng, xã Triệu Lộc, thôn Đại Sơn, xã Đại Lộc, thôn Phương Độ, xã Đồng Lộc, thôn Thiều Xá 2, Cầu Thôn, xã Cầu Lộc.

Nhiều diện tích lúa đã đến mùa thu hoạch tại huyện Thiệu Hóa bị ngập sâu trong nước.

Theo phương án xây dựng, toàn huyện có khoảng 621 hộ, 2.344 nhân khẩu thuộc 10 xã trong diện di dời, sơ tán. Trong đó, xã Triệu Lộc có 42 hộ, 153 nhân khẩu; xã Đại Lộc có 75 hộ, 316 nhân khẩu, đang sinh sống ngoài đê sông Lèn và có nguy cơ sạt lở đất; xã Cầu Lộc có 45 hộ, 208 nhân khẩu; xã Phong Lộc, tổng số hộ sinh sống ngoại đê sông Lèn di dời là 189 hộ với 634 nhân khẩu (tập trung tại thôn Phù Lạc, Kỳ Sơn, thôn Cầu). Vị trí di dân đến nhà văn hoá, công sở, trường học. Tại xã Xuân Lộc, tổng số hộ ngoại đê Tả Lạch Trường di dời là 67 hộ với 270 nhân khẩu (tập trung tại thôn Bái Hà Xuân, Phú Mỹ); tại xã Thuần Lộc, tổng số hộ ngoại đê di dời là 85 hộ với 313 nhân khẩu (tập trung tại thôn Bộ Đầu, Lam Thôn, Nhuệ Thôn khu vực Tả Cẩm Lũ và thôn Điện Quang, Bộ Đầu khu vực tả Lạch Trường)...

Tại TP Thanh Hóa, phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh bị ngập sâu.

Tính đến 16h ngày 23/9, huyện Hậu Lộc đã di dời 76 hộ, 272 nhân khẩu đến nơi an toàn (trong đó, đê Tả Lạch Trường 46 hộ với 168 nhân khẩu; đê hữu Sông Lèn 30 hộ với 104 nhân khẩu); nâng kê và di dời tài sản cho 582 hộ. Đã có 34,8ha diện tích hoa màu vùng ngoại đê bị ngập úng hoàn toàn. Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Hậu Lộc tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong vùng nguy hiểm, nguy cơ ngập úng theo dõi tình hình mưa, nước sông Lèn, sông Lạch Trường dâng cao để sẵn sàng ứng phó, trong đó bảo đảm an toàn cho người dân, sơ tán, di dân đến nơi an toàn như phương án đã xây dựng.

Huyện Hậu Lộc tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân xác định rõ những thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, tránh tư tưởng chủ quen với thiên tai. Chủ động, phát hiện ngăn ngừa và có kế hoạch bảo vệ an toàn hệ thống đê, kè, cống trong mọi tình huống khi bão lũ xảy ra; có kế hoạch tổ chức, huy động lực lượng và các loại phương tiện tại chỗ của các xã, các cụm; huy động tối đa lực lượng xung kích, phương tiện vật chất để xử lý tại chỗ, chi viện ứng cứu kịp thời đối với những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của tập thể, Nhân dân trong mùa mưa bão.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu