20:42 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Doanh nghiệp kêu cứu vì bị "bức tử"?

| 07:21 30/03/2017

(THPL) - Việc UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương cho liên doanh Công ty Anh Phát – Sông Chu làm chủ đầu tư nhà máy nước sạch mới tại hồ Quế Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất 60.000m3/ngày đêm, suốt thời gian qua đang tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Các cơ quan báo chí đã lên tiếng và phân tích sự thiệt hơn dưới nhiều góc độ. Nhưng cho đến hôm nay, vấn đề này vẫn chưa có hồi kết. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng, dự án này ra đời là để "bức tử” Nhà máy nước Nghi Sơn của Công ty Bình Minh (hiện đang hoạt động ổn định trên địa bàn)?

Vừa qua, Thương hiệu và Pháp luật nhận được đơn thư kêu cứu của Công ty TNHH Xây dựng & Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về việc doanh nghiệp này đang bị chính quyền  “bức tử” .

Theo đơn kiến nghị của ông Tào Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Công ty Bình Minh), vốn dĩ ông quê gốc ở Thanh Hóa, lập nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2007, nghe theo lời mời kêu gọi đầu tư của tỉnh, ông Tuấn đã đầu tư 450 tỷ đồng vào nhà máy nước tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn (Thanh Hóa). 

Dự án này nhiều năm thua lỗ vì nước sạch không có đầu ra. Đến năm 2016, KKT Nghi Sơn có nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhu cầu nước sạch tăng lên. Nhưng trớ trêu thay, giữa năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa lại “bật đèn xanh” cho một liên doanh khác là Công ty Anh Phát – Sông Chu xây dựng nhà máy nước sạch, chặn nguồn cấp nước thô của Công ty Bình Minh, khiến doanh nghiệp này có nguy cơ phá sản. Quá bức xúc, Công ty Bình Minh đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.

Dự án cung cấp nước sạch của Công ty Bình Minh đang có nguy cơ "chết yểu"

Theo tìm hiểu của PV, năm 2007, Công ty Bình Minh đầu tư xây dựng Nhà máy cung cấp nước Nghi Sơn với công suất 90.000m3 nước/ngày đêm. Theo đó, giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, đã đi vào vận hành từ năm 2011. Sau  nhiều năm chịu thua lỗ vì KKT Nghi Sơn chỉ tiêu thụ nước sạch ở mức 1/10 công suất thiết kế. Đến nay, nhu cầu tiêu thụ nước cấp bách hơn, Công ty Bình Minh đầu tư cả ngàn tỷ đồng để thực hiện xây dựng giai đoạn 2, nâng công suất lên 90.000m3/ngày đêm. 

Ông Tào Quốc Tuấn bức xúc cho biết: “Công ty đang xây dựng giai đoạn 2 của dự án thì ngày 10/6/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1982/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương cho liên doanh Công ty Anh Phát – Sông Chu làm chủ đầu tư Nhà máy nước sạch mới tại hồ Quế Sơn, với công suất 60.000m3/ngày đêm. Việc làm này của tỉnh Thanh Hóa đồng nghĩa gây khó khăn cho Nhà máy nước Nghi Sơn của Công ty Bình Minh chúng tôi”. 

Theo báo cáo của Công ty Bình Minh, nhà máy nước sạch Nghi Sơn hoạt động nhờ nguồn cấp nước thô dẫn từ hồ Đồng Chùa về bể chứa, trong khi hiện nay hệ thống đường ống cấp nước thô dẫn về hồ Đồng Chùa không đáp ứng đủ khối lượng cho Nhà máy nước Nghi Sơn giai đoạn 1, thì trớ trêu thay, tỉnh Thanh Hoá lại tiếp tục cho xây dựng Nhà máy nước khác tại hồ Quế Sơn và cùng chung đường ống dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa. Nếu hai dự án cùng hoạt động sẽ thiếu nước thô trầm trọng.

Ông Tào Quốc Tuấn  - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh đã gửi đơn kiến nghị khắp nơi về việc dự án nước sạch của đơn vị đang bị "bức tử".

Ông Tuấn bức xúc thêm: “UBND tỉnh Thanh Hóa không đánh giá thực trạng công suất cung cấp của Công ty Bình Minh mà cố ý cho xây dựng một nhà máy khác, đẩy dự án cung cấp nước sạch của chúng tôi vào đường cùng, không có nguồn nước thô để sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Điều này khiến Nhà máy nước của Công ty Bình Minh có nguy cơ đóng cửa…” 

Cũng theo tìm hiểu của PV thì hồ sơ, thủ tục, quy trình chấp thuận đầu tư hệ thống cấp nước KKT Nghi Sơn cho liên doanh Công ty Anh Phát – Sông Chu có nhiều vấn đề cần xem xét lại, như: Chỉ đạo đầu tư không nhất quán, đầu tư không đúng quy hoạch, không xuất phát từ thực tế của tỉnh Thanh Hóa...vi phạm nội dung cam kết giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. 

Tại Hội nghị Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa ngày 7/7/2016, tất cả các đại biểu đại diện cho hơn 2.000 doanh nghiệp bất bình với UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1982, cho phép xây dựng thêm một nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn. Cộng đồng doanh nhân gọi đây là dự án chồng dự án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Bình Minh, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa” – ông Tuấn cho biết. 

Đơn kiến nghị của ông Tào Quốc Tuấn gửi lên các cơ quan Trung ương

Ở một khía cạnh khác, theo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá ngày 27/5/2016, nhu cầu cấp nước cho Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn và các dự án khác trong KKT Nghi Sơn là rất lớn, hết năm 2016 KKT cần 45.000m3 nước sạch/ngày đêm. Tính đến hết 2016 mới cung cấp được 30.000m3 nước sạch/ngày đêm, còn thiếu 15.000m3; nhu cầu đến năm 2018 sẽ là 53.000m3; năm 2020 là 100.000m3 nên cần thiết phải lập dự án đầu tư đưa nước thô từ hồ Sông Mực về hồ Quế Sơn để phục vụ cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn. 

Các nội dung văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty Bình Minh khẳng định và cam kết: thừa năng lực về kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để đầu tư, sản xuất nước sạch đáp ứng mọi nhu cầu về nước sạch cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Cụ thể, công suất của Nhà máy nước của Công ty Bình Minh tại đây là 90.000m3/ngày đêm; giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm đã đưa vào vận hành từ năm 2011, hiện nay đang đầu tư giai đoạn 2. Hiện tại, Nhà máy nước sạch Nghi Sơn vẫn đáp ứng đầy đủ nước sạch cho dự án nhà máy lọc hoá dầu và các dự án khác trong KKT Nghi Sơn, mặc dù chỉ mới vận hành 1/10 công suất thiết kế. 

Ngoài ra, Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa, chấp thuận đầu tư Nhà máy nước tại hồ Quế Sơn của UBND tỉnh Thanh Hoá là đã bỏ qua các bước hồ sơ, thủ tục đầu tư, có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư năm 2014, không đánh giá đúng thực tế nhu cầu về nước của KKT Nghi Sơn. Quyết định này đi ngược lại chủ trương chính sách đầu tư của Nhà nước, phá vỡ quy hoạch của Chính phủ, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần của nhà đầu tư, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. 

Bên cạnh đó, việc đầu tư thêm một nhà máy nước sạch Anh Phát - Sông Chu tại hồ Quế Sơn và một đường ống dẫn nước thô từ hồ Yên Mỹ và hồ Quế Sơn. Điều đáng nói là dự án này cách vị trí nhà máy nước Nghi Sơn khoảng hơn 4km đang có nhiều dấu hiệu bất thường, khiến Công ty Bình Minh bức xúc đến mức phải cầu cứu đến các cơ quan chức năng.

Trong tương lai, nếu cả 2 dự án nhà máy cung cấp nước sạch cùng hoạt động sẽ khiến cho dự án của Công ty Bình Minh dần mất hết thị phần, không phát huy được công suất đầu tư…dẫn tới phá sản doanh nghiệp. Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không sự liên minh vì "lợi ích nhóm" và tình trạng dự án chồng dự án như thế này đã ép doanh nghiệp vào bước đường cùng?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu