13:13 ngày 22/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Sầu riêng và vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế

20:07 06/02/2025

(THPL) - Vài năm trở lại đây, sầu riêng trở thành “vua trái cây” của Việt Nam khi liên tục bứt phá trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Trái sầu riêng Việt Nam đã có mặt trên nhiều thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, cũng như một số mặt hàng nông sản khác, trái sầu riêng xuất khẩu Việt Nam cũng còn những tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục, nếu muốn tạo dựng một thương hiệu bền vững trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2023. Trong đó, sầu riêng đóng vai trò quan trọng, chiếm 44,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% tổng kim ngạch. Ngoài ra, sầu riêng xuất khẩu còn có mặt tại thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia…

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới. Việt Nam có tổng diện tích sầu riêng khoảng 155.000 ha, năng suất bình quân 25-30 tấn/ha nên còn rất nhiều dư địa để tiếp tục xuất khẩu cả hàng tươi và cấp đông sang thị trường Trung Quốc trong năm 2025. Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế thu hoạch sầu riêng quanh năm, quãng đường vận chuyển gần, cùng với đó giá sầu riêng Việt đang thấp hơn sầu Thái Lan…, theo đó, tại thị trường tỷ dân, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam liên tục bứt phá, sắp bắt kịp đối thủ cạnh tranh Thái Lan về thị phần.

Xuất khẩu sầu riêng đóng vai trò quan trọng, chiếm 44,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước

Xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 được đánh giá rất tích cực khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho các sản phẩm sầu riêng chế biến sẵn như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng. Những sản phẩm này không chỉ gia tăng giá trị cho ngành mà còn tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những trái sầu riêng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên quả. Đây là cơ hội lớn để ngành sầu riêng Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, trái sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều trở ngại. Thời gian qua, các vụ việc vi phạm đối với sầu riêng xuất khẩu đã bị cảnh báo. Cụ thể, cuối tháng 12/2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát đi thông báo khẩn, phản đối mạnh mẽ việc một số đối tượng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Các đối tượng này đã sử dụng hợp đồng ủy quyền giả, con dấu và chữ ký giả để lừa đảo doanh nghiệp và qua mặt cơ quan chức năng, nhằm trục lợi và xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc.

Cũng trong năm 2024, nhiều lô sầu riêng của Việt Nam nhiễm cadimi buộc phía Trung Quốc phải trả về. Việc này cũng khiến cho nhiều thời điểm giá sầu riêng Việt Nam rớt giá mạnh.

Trước đó, cuối năm 2023, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đã phát hiện hai lô sầu riêng, ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, yêu cầu doanh nghiệp phải tiêu hủy.

Không chỉ Trung Quốc - thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam cảnh báo mà EU mới đây cũng công bố tăng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% từ ngày 8/1/2025 (trước đây cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu kiểm tra khoảng 2%-3%). Quyết định này được đưa ra sau khi phía EU phát hiện sản phẩm này tồn dư nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu. Việc tăng tần suất kiểm tra cũng đồng nghĩa với việc các lô hàng đó bị kéo dài thêm thời gian được nhập khẩu vào EU. Nếu kết quả kiểm tra lô hàng có vấn đề thì lô hàng đó sẽ bị hủy ngay tại biên giới.

Sầu riêng Việt Nam có ưu điểm rất lớn so với các nước khác, đó là ở gần nước tiêu thụ nhất nên chi phí logistics thấp hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn. Trước lợi thế này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo số lượng.

Thiết nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng và nâng cao thương hiệu, phải xây dựng uy tín từng lô hàng từ chất lượng sản phẩm, quy trình trồng, đóng gói, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến chiến lược bán hàng, truyền thông, từ đó tạo ra sức cạnh tranh lâu dài tại thị trường xuất khẩu chủ lực Trung Quốc và các thị trường khó tính khác. 

Bên cạnh đó, cũng phải có biện pháp, chế tài thích đáng với doanh nghiệp xuất khẩu kém chất lượng. Tích cực xây dựng thương hiệu, hình ảnh sầu riêng để loại trái cây này xứng đáng với danh hiệu “vua trái cây” Việt Nam.

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu