20:12 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sáng chế giải phóng sức lao động của anh nông dân quê lúa

Lưu Kỳ | 09:26 17/02/2021

(THPL) - Không chỉ được mệnh danh là “nhà khoa học của nông dân Việt Nam” sau khi sáng chế ra chiếc máy cấy không động cơ, góp phần "giải phóng" người nông dân khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tăng hiệu suất lao động… anh nông dân Trần Đại Nghĩa (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) còn thành lập doanh nghiệp. Sau 5 năm, doanh nghiệp của anh đã và đang xây dựng nhà xưởng thứ 2 trên diện tích 6000m2 với vốn đầu tư lên đến ba chục tỷ đồng.

Sáng chế từ tình yêu với đồng đất

Đã từng trải qua nghề điện, nghề mộc rồi xuất khẩu lao động nước ngoài nhưng cái mùi của đồng đất quê hương cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí anh nông dân Trần Đại Nghĩa. Tuổi thơ của anh gắn liền với hình ảnh cơ cực của bà, của mẹ, của cô dì, chú bác, anh chị em mỗi vụ mùa. Trong cái nắng chói chang hay cái rét căm căm, người thân, bà con thân thuộc của anh vẫn phải còng lưng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để lo cái ăn, cái mặc cho bản thân và gia đình. Anh Nghĩa đau đáu trong lòng câu hỏi: làm sao để người dân quê mình bớt khổ?  

Trong thời gian xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Nghĩa quan sát thấy người làm nông tại đây sử dụng máy cấy tiết kiệm rất nhiều sức lao động, anh đã nảy sinh ý tưởng chế tạo một chiếc máy cấy dành riêng cho người nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, khi kinh tế gia đình đã tương đối ổn định, các con cũng đã lớn hơn, anh Nghĩa mới có thể tạm gác mọi lo toan để thực hiện nỗi niềm ấp ủ bấy lâu.

Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng anh cũng cho ra lò chiếc máy cấy không động cơ. Suốt mấy tháng trời, bà con cứ thấy anh cặm cụi khoan, cắt một đống sắt, rồi lại một mình gánh bùn, gieo mạ khi chưa đến mùa cấy. Hàng xóm không chỉ thấy lạ mà còn cho rằng anh bị hâm. Nghĩa cứ mặc kệ những điều ra, tiếng vào: tự mình lắp ráp, rồi lại tự mình thử nghiệm. Hết thử nghiệm trên lớp bùn đổ trên sân gạch, lại thử nghiệm trên khoảng sông đã cạn nước… Cứ như vậy, chiếc máy cấy đơn giản, chỉ khoảng 23kg, chỉ cần một người vận hành nhưng có năng suất bằng 6- 8 người nông dân lao động vất vả một ngày, đã ra đời như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, chỉ dựa vào bàn tay và khối óc của anh nông dân trung niên mới học hết phổ thông trung học.

Anh Trần Đại Nghĩa được Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019.
Giấy chứng nhận máy cấy Đại Nghĩa đạt “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”.

Giải pháp tối ưu "giải phóng" người nông dân

Trên thị trường nước ta trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều loại máy cấy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các loại máy này đều có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, có kiểu dáng khá bắt mắt. Tuy nhiên, giá thành của chúng rất cao, có máy lên đến hàng 100 triệu đồng, máy đã qua sử dụng cũng tầm 30 triệu. Với chi phí cao như vậy, người nông dân dù rất muốn cơ giới hóa trong sản xuất nhằm giảm bớt sức lao động cũng khó có thể mua riêng cho gia đình mình một chiếc máy cấy. Nếu nhiều hộ cùng mua chung thì tính chủ động trong sản xuất bị hạn chế, việc cấy lúa lại có tính thời điểm sẽ dẫn đến giảm năng suất mùa vụ.

Máy cấy nhập ngoại cồng kềnh, chỉ phù hợp với các nông trại lớn, ruộng bằng phẳng, ít bờ, không lầy…thời gian gieo cấy dài, mật độ cấy thưa để chống sâu bệnh do thời tiết các nước sản xuất ra các loại máy này có mùa lạnh kéo dài, mỗi năm chỉ có một vụ. Còn đồng ruộng của nước ta nói chung và Bắc Bộ nói riêng có nhiều bờ ngăn nhỏ, bề mặt các ruộng không đều nhau, có nhiều diện tích trũng, lầy, thời gian nóng ấm nhiều hơn. Máy nhập ngoại cũng rất khó sử dụng được với ruộng bậc thang. Quá trình sử dụng không mấy phù hợp địa thế, thổ nhưỡng và tập quán canh tác, giống lúa của  nước ta nên không phát huy hết công suất, dễ phát sinh hỏng hóc, mức tiêu hao nhiên liệu lớn. Giá thành quá cao, hiệu quả thấp nên mặc dù đã xuất hiện ở nước ta nhiều năm nay nhưng máy cấy nhập ngoại vẫn không được đại bộ phận người nông dân tiếp nhận.

Trong khi đó, máy cấy do anh Trần Đại Nghĩa sáng chế không chỉ nhỏ gọn, kết cấu vững chắc mà còn phù hợp với thổ nhưỡng của Việt Nam. Đặc biệt, máy không chỉ đáp ứng với nhiều địa hình mà việc vận hành máy còn rất đơn giản, nhẹ nhàng không mất nhiều sức nên người lớn tuổi cũng có thể điều khiển được. Hơn hết là máy có giá thành thấp, phù hợp với túi tiền người nông dân (khoảng 4 triệu đồng).

Anh Trần Đại Nghĩa thứ 2 (từ trái sang) tại buổi họp báo công bố 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

Không ngừng sáng tạo

Hiện nay, sản phẩm máy cấy lúa của anh Trần Đại Nghĩa đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành có sản xuất lúa trên cả nước. Sáng chế của anh không chỉ giúp người nông dân tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất cây trồng mà còn mở ra cho người nông dân những định hướng sản xuất mới. Sản phẩm được Cục Sở Hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp bằng giải pháp hữu ích.

Anh Trần Đại Nghĩa (áo trắng) nhận giải thưởng tại Chương trình “Nhân tài đất Việt năm 2017”.
Anh Trần Đại Nghĩa (đầu tiên từ trái sang ) tại triển lãm “Top 10 sản phẩm tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”

Không dừng lại ở đó, sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, anh Trần Đại Nghĩa đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm như: máy cấy không dùng động cơ; máy cấy lúa động cơ điện, động cơ xăng; máy phun phân hóa học dạng hạt và phun thuốc bảo vệ thực vật chạy bằng điện; máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật… Các sáng chế và doanh nghiệp cũng như bản thân anh liên tục đạt được những công nhận và giải thưởng lớn như: Giải khuyến khích Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 (2014-2015); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho sáng chế đã đạt giải trong Chương trình “Sáng kiến giải pháp” (năm 2015); Nhân tài đất Việt năm 2017; Bằng độc quyền sáng chế dành cho máy cấy lúa sử dụng động cơ điện (2019); Nhà khoa học của nông dân năm 2019; Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019 hay giải thưởng tại Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ cấp tỉnh và cấp huyện khác… Tháng 6 năm 2020, anh (cùng con trai) được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019; danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2020…  

Sơ đồ máy cấy điện do ông Nghĩa và con trai ông sáng chế ra.

Với tinh thần không ngừng sáng tạo, liên tục đưa ra hàng loạt các sáng chế và giải pháp kỹ thuật nên trước khó khăn của dịch COVID-19, sản phẩm máy cấy của doanh nghiệp Trần Đại Nghĩa mặc dù cũng phải thu hẹp sản xuất (do một số linh kiện chậm nhập khẩu), doanh nghiệp của anh Nghĩa vẫn không ngừng “cháy hàng”, giúp anh nông dân năm nào thu vào hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại, anh đang tập trung vốn đầu tư tiếp tục mở thêm xưởng sản xuất thứ 2 trên diện tích 6000m2 với tổng vốn đầu tư lên đến hơn ba chục tỷ đồng.

Lưu Kỳ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu