12:30 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phương pháp chỉnh sửa gene giành giải Nobel Hóa học 2020

Thanh Mai (tổng hợp) | 16:05 08/10/2020

(THPL) - Giải Nobel Hóa học năm 2020 đã thuộc về 2 nhà hóa học nữ gồm nhà hóa học người Pháp Emmanuelle Charpentier và nhà hóa học người Mỹ Jennifer A. Doudna.

Chiều 7/10 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Hóa học năm 2020.

Được biết, bà Emmanuelle Charpentier (sinh năm 1968, tại Juvisy-sur-Orge, Pháp) nhận bằng Tiến sĩ của Viện Pasteur tại Paris vào năm 1995. Bà hiện là Giám đốc Đơn vị Max Planck về khoa học mầm bệnh tại Berlin, Đức.

Bà Jennifer A. Doudna (sinh năm 1964, tại Mỹ) nhận bằng Tiến sĩ của Trường đại học Y khoa Harvard vào năm 1989. Bà hiện là Giáo sư của Đại học California và điều tra viên của Viện Y tế Howard Hughes. Hai nhà khoa học nữ sẽ chia đôi giải thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD).

Theo như thông cáo công bố trên website nobelprize.org, hai nhà khoa học này đã phát hiện một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gen: cây kéo sinh học CRISPR/Cas9. Kéo chỉnh sửa gen này được đánh giá là công cụ để viết lại mật mã của sự sống và đã đưa khoa học sự sống bước vào một kỷ nguyên mới.

Bằng cách sử dụng công nghệ CRISPR/Cas9, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi DNA của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác rất cao. Công nghệ này đã có tác động mang tính cách mạng đối với khoa học sự sống, góp phần phát triển các phương pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa khỏi bệnh di truyền thành sự thật.

Hai nhà khoa học được vinh danh cho giải Nobel Hóa học 2020 (Ảnh: Nobel Prize)

Báo Nhân dân đưa tin, theo thông cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển có nhấn mạnh: “Từ khi hai nhà khoa học phát hiện kéo chỉnh sửa gen vào năm 2012, công cụ này đã được sử dụng vào nhiều công việc. Kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 đóng góp vào nhiều phát hiện quan trọng trong nghiên cứu cơ bản, các nhà nghiên cứu thực vật có thể phát triển nhiều loại cây trồng có khả năng chống chịu nấm mốc, sâu bệnh và hạn hán”.

Ông Claes Gustafsson, Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Hóa học đánh giá, công cụ gen này có một sức mạnh to lớn, tác động đến tất cả chúng ta. Nó không chỉ cách mạng hóa khoa học cơ bản, mà còn cải tiến mùa vụ và sẽ dẫn tới các phương pháp mới đột phá để điều trị bệnh.

Theo TTXVN đưa tin, năm ngoái, Giải Nobel Hóa học 2019 đã được trao cho 3 nhà hóa học của Mỹ, Anh và Nhật Bản, tôn vinh các công trình phát triển pin lithium-ion. Đó là các nhà hóa học John Goodenough (người Mỹ), Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (Nhật Bản). Giáo sư John Goodenough là giáo sư lớn tuổi nhất nước Mỹ đạt giải Nobel, khi ông 97 tuổi. Như vậy, từ năm 1901 đến 2019, Giải Nobel Hóa học đã được trao 112 lần, trong đó có bảy nhà khoa học nữ. 

Trước đó, vào ngày 5/10, 3 nhà khoa học, gồm Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice, đã giành giải Nobel Y học năm 2020 với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.

Vào chiều 6/10 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm 2020. Theo đó, giải Nobel Vật lý năm 2020 thuộc về 3 nhà khoa học gồm Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những nghiên cứu liên quan tới hố đen vũ trụ.

Thanh Mai (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu