13:35 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới chứa nhiều đột biến hơn Delta

Minh Đức (tổng hợp) | 15:14 25/11/2021

(THPL) - Biến thể SARS-CoV-2 mới mang số lượng đột biến vô cùng cao có thể làm bùng phát các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới bằng cách 'né' hệ miễn dịch của cơ thể.

Theo trang The Guardian (Anh), biến thể B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai (spike protein). Các đột biến trong protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lan truyền của virus, nhưng cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana. Đến thời điểm hiện tại, có 10 ca nhiễm biến chủng B.1.1.529 ở 2 quốc gia và một vùng lãnh thổ được xác nhận bằng giải trình tự gene.

10 ca nhiễm biến chủng B.1.1.529 gồm: 3 ca ở Botswana, 6 ca ở Nam Phi và 1 ca ở Hong Kong. Những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.529 được ghi nhận ở Botswana vào ngày 11/11 và 3 ngày sau đó Nam Phi cũng ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới này. Trường hợp tại Hong Kong là người đàn ông 36 tuổi có kết quả PCR âm tính trước khi tới Nam Phi. Người này ở Nam Phi từ ngày 22/10-11/11, có kết quả âm tính khi trở về Hong Kong. Đến này 13/11, người này có kết quả dương tính trong thời gian thực hiện cách ly.

Ảnh minh họa: Alamy

Theo báo Tin tức, tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, đã đăng thông tin chi tiết về biến thể mới trên một trang web chia sẻ bộ gien, ông lưu ý rằng “lượng đột biến vô cùng cao của B.1.1.529 cho thấy nó có thể thực sự đáng lo ngại”. Ông Peacock cũng nhấn mạnh rằng cần phải theo dõi sát sao biến thể này vì số lượng đột biến khủng khiếp của nó.

Tiến sĩ Meera Chand, giới chức y tế tại Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ biến thể này cùng các cơ quan khoa học trên toàn cầu. Bà cho rằng: “Bản chất của virus là đột biến liên tục và ngẫu nhiên. Không có gì lạ khi xuất hiện một số nhỏ các trường hợp phát sinh và xuất hiện một tập hợp đột biến mới. Bất kỳ biến thể nào có dấu hiệu lây lan cũng đều được theo dõi ngay lập tức”.

Các nhà khoa học sẽ theo dõi biến thể mới để tìm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó đang phát triển và lây lan rộng rãi hơn. Một số nhà virus học ở Nam Phi đang vô cùng lo lắng khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể này gia tăng ở Gauteng, nơi B.1.1.529 lần đầu được phát hiện.

Ravi Gupta, Giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết ông đã phát hiện ra rằng 2 trong số các đột biến trên B.1.1.529 làm tăng khả năng lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết kháng thể.

“Nó chắc chắn là một mối lo ngại lớn dựa trên các đột biến hiện tại. Tuy nhiên, một đặc tính phổ biến của virus mà chúng ta chưa biết về B.1.1.529 là khả năng lây nhiễm của nó. Đặc tính né hệ miễn dịch chỉ là một trong những đặc tính của biến thể này”, ông nói.

Theo trang Pháp luật và Bạn đọc, đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra khởi phát từ cuối năm 2019. Đến nay, dịch COVID-19 đã khiến hơn 256 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 5 triệu người tử vong.

SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, tạo ra nhiều biến chủng. Trong đó, có các biến chủng xếp vào nhóm "đáng lo ngại" do khả năng lây lan cao hơn, dễ "né" miễn dịch hơn hoặc có độc lực cao hơn. Hiện, biến chủng gây lo ngại nhất hiện nay là Delta - biến chủng trội toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các vaccine COVID-19 hiện thời có thể làm giảm khoảng 40% khả năng lây truyền của biến chủng Delta.

Hiện nay, tiêm chủng là một biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo kể cả người đã tiêm vaccine vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu