23:59 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phạt đến 60 triệu đồng đối với hành vi cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp

Quốc Cường | 10:35 09/10/2020

(THPL) - Đây là mức phạt theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Nhằm tăng cường hỗ trợ phát huy những mặt tích cực, kiểm soát chặt tiêu cực trong hoạt động báo chí, xuất bản chuyên nghiệp của quốc gia  phù hợp với tình hình thực tế. Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.  

Nghị định bao gồm 5 chương, 44 điều, quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. So với các quy định trước đây, quy định mới về xử phạt hành chính đối với hoạt động báo chí, cơ quan báo chí và người được cấp thẻ nhà báo có một số thay đổi quan trọng.

Báo chí, xuất bản là tiên phong tuyên truyền tạo sự đồng thuận, ổn định toàn xã hội

Đối tượng áp dụng bao gồm cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức có liên quan; tổ chức quy định tại khoản 1 điều này…

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 1 đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 12 tháng.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính, xin lỗi; buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật…

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, các chương của Nghị định quy định rõ nội dung liên quan đến hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; điều khoản thi hành.

Cũng theo nội dung nghị định, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí được quy định chi tiết về mức tiền xử phạt. Theo đó: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Ngoài ra, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Báo chí, xuất bản chuyên nghiệp của quốc gia là một hoạt động đặc biệt mang tính chính trị - xã hội, là tiên phong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giới thiệu các tri thức, kiến thức, nâng cao dân trí. Cùng với đó, báo chí cũng có nhiệm vụ là một cầu nối để người dân tham gia ý kiến trực tiếp vào các công việc của đất nước, tạo sự đồng thuận, ổn định của toàn xã hội. Việc tự nhận thức vai trò của mỗi phóng viên, nhà báo, cùng với những hỗ trợ công bằng trong quản lý của Chính phủ, sẽ góp phần giúp báo chí, xuất bản hoàn thành trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu