04:17 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nông dân Bình Định điêu đứng vì thương lái Trung Quốc ép giá ớt chỉ bằng 1/5 năm ngoái

| 13:02 28/05/2017

(THPL) - Hiện nay, đang vào thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch ớt ở tỉnh Bình Định nhưng giá cả liên tục giảm mạnh, khiến bà con nông dân thấp thỏm không yên. Thương lái Trung Quốc - thị trường tiêu thụ ớt chính của Bình Ðịnh - đã ép giá thu mua xuống chỉ bằng 1/5 so với giá của năm ngoái.

Đang vào vụ thu hoạch rộ ớt của người dân các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, tỉnh Bình Định, nhưng giá cả thị trường liên tục giảm mạnh khiến nông dân như "ngồi trên đống lửa". Từ đầu vụ, giá ớt là 10 ngàn đồng/kg, đến nay chỉ còn 3 - 4 ngàn đồng/kg, thấp nhất trong vài năm trở lại đây.

Theo khảo sát, đến ngày 28.5, giá ớt chỉ thiên loại 1 xuất khẩu là 9.000 đồng/kg; giá ớt chỉ địa (người địa phương gọi là ớt ngọt, chuyên dùng để sản xuất tương ớt ) dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, 2 năm trước, giá hai loại ớt đều ở mức 30.000 đến 40.000 đồng/kg.

Ớt rớt giá vì thương lái Trung Quốc không ''ăn hàng''
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, ở thôn Trung Bình, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) vật lộn với số ớt đang chín đỏ.

“Ráng hái, thu được đồng nào hay đồng ấy!”

10 giờ sáng, giữa trời nắng chang chang, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, ở thôn Trung Bình, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) vẫn vật lộn với số ớt đang chín đỏ. Năm ngoái, vì hồ Hóc Mít khô nước, ông chỉ trồng 4 sào ớt. Năm nay, nước về đầy hồ, lại có động lực vì giá ớt năm ngoái cao, ông nâng diện tích ớt lên 9 sào, gồm 4 sào ớt ngọt và 5 sào ớt chỉ thiên. Thời điểm này, ruộng ớt đang chín rộ đợt 2, ông và vợ hái liên tục mỗi ngày vẫn không kịp. Ông Thành bảo: “Giá ớt được như mọi năm, tôi đã thuê người hái ớt. Năm nay, giá thấp quá, kêu người hái, bán ớt xong chỉ đủ trả tiền công nên vợ chồng tôi ráng hái”.

Chỉ qua đám bên cạnh với số cây thấp bé, ớt lưa thưa, còi cọc, ông Thành cho biết, chủ ruộng đã bỏ đám, không chăm bón, đầu tư thêm cho ruộng sau 1, 2 lượt hái vì giá quá thấp. Vợ chồng ông không nghĩ đến chuyện bỏ ruộng vì tiếc công sức đầu tư. “Ráng hái, thu được đồng nào hay đồng ấy!”, ông Thành cho biết. 

Ở những hộ có diện tích ớt nhỏ hơn, câu chuyện lời lỗ được nhìn nhận nhẹ nhàng hơn. Chở thẳng hơn 20 kg ớt thu được sau buổi sáng ra chợ, bà Lê Thị Hân (50 tuổi, ở thôn Trung Thứ, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) nhận tiền “tươi” khoảng 190 ngàn đồng. Nói về chuyện giá cả, người phụ nữ này tỏ ra bình thản: “Tôi làm ớt đã 5, 6 năm. Mỗi năm chỉ làm khoảng 2 sào. Giá ớt cao như năm ngoái thì thu lời được khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, giá ớt thấp, nhưng ớt vẫn đảm bảo chất lượng, hái đến đâu được thu mua đến đấy thì cũng thu về hơn 10 triệu đồng. Không có lời nhưng cũng chưa đến mức lỗ! Thôi thì cũng được”.

Thêm thị trường, sao không?

Theo các chủ cơ sở thu mua ớt trên địa bàn tỉnh, những năm qua, thị trường thu mua ớt chính của Bình Định là Trung Quốc. Nhu cầu ớt của thị trường này khá lớn. Từng có thời điểm, thương lái Bình Định phải thu mua thêm ớt ở Gia Lai, Kon Tum mới đủ để xuất bán sang Trung Quốc.

Người phân loại ớt tại cơ sở Đào - Hòa căng thẳng khi phải lựa đi lựa lại nhiều lần theo yêu cầu của thương lái thu mua ớt xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Mùa bán ớt cho Trung Quốc trải dài từ đầu năm cho đến đầu tháng 5 âm lịch. Từ tháng 5 âm lịch trở đi, Trung Quốc sử dụng ớt tươi của thị trường nội địa, họ chỉ nhập ớt khô từ Việt Nam.

Chuyện thương lái Trung Quốc thao túng giá cả là điều hiển nhiên khi họ là thị trường xuất khẩu gần như duy nhất của người trồng ớt Bình Định. Nói gần như duy nhất là vì ngoài Trung Quốc, thỉnh thoảng, các chủ cơ sở thu mua ớt ở Bình Định cũng bắt tay với một số thương lái xuất khẩu ớt sang Thái Lan, Malaysia, Singapore. Những ngày cuối tháng 5.2017, cơ sở Đào - Hòa nhận được một đơn hàng thu mua ớt xuất khẩu sang các nước trên. Tuy nhiên, cả chủ cơ sở và người làm thuê phân loại ớt đều rất căng thẳng bởi tiêu chuẩn khắt khe trong lựa chọn ớt.

Nếu phân loại ớt cho đơn hàng Trung Quốc nhanh gọn bao nhiêu thì phân loại cho đơn hàng sang Thái Lan, Malaysia phức tạp hơn bấy nhiêu. Chúng tôi phải lựa đi, lựa lại 3, 4 lượt mà vẫn chưa được thương lái ưng ý. Họ kiểm tra kỹ từng cái cuống, đốm nám nhỏ nhất”, bà Nguyễn Thị Hương, 49 tuổi - làm nghề phân loại ớt - kể.

Theo thương lái đang thu mua ớt xuất khẩu ớt sang Thái Lan, Malaysia, Singapore, địa phương nơi họ thu mua ớt chính những năm qua là ở miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Đây là lần đầu tiên họ đến Bình Định tìm nguồn ớt. Ở các thị trường khó tính hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore, tỉ lệ hư hao không được quá 3%, nếu nhiều hơn sẽ không bán được hàng. Chính vì vậy, khâu lựa chọn phải làm thật kỹ, tránh trường hợp lây lan, làm hư hỏng thêm trong quá trình vận chuyển. Bù lại, nếu xuất được sang các thị trường này, giá ớt bao giờ cũng cao hơn so với thị trường Trung Quốc khoảng 10.000 đồng/kg.

Sự vào cuộc của các ngành, đơn vị liên quan là rất cần thiết để giúp người nông dân nâng cao chất lượng ớt, đủ tiêu chuẩn để “đặt chân” vào các thị trường khó tính khác, dần dần xóa sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Từ đó, câu chuyện sinh kế của người trồng ớt nói chung và người nông dân nói riêng mới thật sự bền vững. 

Nguyễn Muội

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu