18:15 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nobel Vật lý 2016: Vinh danh 3 nhà khoa học Anh

09:03 05/10/2016

(DNVN) - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa vinh danh 3 nhà khoa học người Anh là David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz đạt giải Nobel Vật lý 2016.

Theo tin tức cho hay, ông Thouless, 82 tuổi là giáo sư danh dự tại Đại học Washington (Mỹ). Ông Haldane, 65 tuổi là giáo sư Vật lý thuộc Đại học Princeton ở New Jersey. Còn ông Kosterlitz, 73 tuổi là giáo sư Vật lý của Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, báo An ninh thủ đô đưa tin. 

Từ trái sang phải là  3 giáo sư Michael Kosterlitz, David Thouless và Duncan Haldane. Ảnh ANTĐ.

Công trình nghiên cứu của họ được tiến hành vào những năm 1970-1980. Một nửa giải thưởng Nobel Vật lý năm nay thuộc về ông Thouless, nửa còn lại thuộc về ông Haldane và Kosterlitz. Mỗi giải Nobel giá trị 8 triệu kronor (930.000 USD).

Ba nhà khoa học Anh David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm nay nhờ ứng dụng tô pô học, một nhánh của toán học, vào vật lý để giải thích những trạng thái kỳ lạ của vật chất. 

Thông thường, vật chất tồn tại ở 4 trạng thái là rắn, lỏng, khí và plasma. Tuy nhiên, trong những điều kiện cực nóng hoặc cực lạnh, một số vật chất có thể biến dạng thành những trạng thái bất thường như siêu lỏng, siêu dẫn hoặc màng từ tính.

Theo báo Thanh niên, nhờ áp dụng tô pô học, vào đầu những năm 1970, các giáo sư Michael Kosterlitz và David Thouless đã lật đổ quan điểm phổ biến thời đó là hiện tượng siêu dẫn hoặc siêu lỏng không thể nào diễn ra giữa các lớp vật chất mỏng. Họ cũng giải thích được cơ chế khiến trạng thái siêu dẫn biến mất trong điều kiện nhiệt độ cao hơn.

Đến thập niên 1980, Giáo sư Duncan Haldane phát hiện có thể dùng những khái niệm tô pô học để hiểu rõ đặc tính của các chuỗi nam châm nhỏ tồn tại trong một số dạng vật liệu. 

Tóm lại, theo đánh giá của giới chuyên môn, 3 giáo sư người Anh đã có thể áp dụng những khái niệm vô cùng trừu tượng của tô pô học vào nghiên cứu những vật chất hiện hữu, từ đó mở ra những chân trời hiểu biết mới về những trạng thái kỳ lạ nhất của vật chất. Đó là lý do tờ The Independent hôm qua gọi họ là “những người vén màn bí mật của những vật chất lạ”.

Hơn nữa, các khám phá nói trên còn có giá trị thực tế rất lớn, đặc biệt trong công cuộc tìm kiếm các loại vật liệu mới cũng như ngành điện tử. Chẳng hạn như trạng thái màng từ tính của vật chất có thể được nghiên cứu chế tạo ổ cứng máy tính có khả năng chứa dữ liệu hơn rất nhiều lần hiện nay hoặc phát triển máy tính lượng tử với tốc độ xử lý ngày càng nhanh.

Trong thông báo đưa ra chiều 4/10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển viết: “Những nhà khoa học được trao giải năm nay đã mở ra cánh cửa đến một thế giới hoàn toàn chưa được khai phá, nơi mà vật chất có thể tồn tại ở những trạng thái kỳ lạ nhất. 

Nhờ vào các công trình mang tính tiên phong của họ, công cuộc săn lùng những trạng thái vật chất mới và kỳ lạ nhất có những bước tiến vượt bậc với triển vọng ứng dụng rất lớn trong khoa học vật liệu lẫn điện tử”.


TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu