14:00 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ninh Thuận: Lợi dụng thoái vốn Nhà nước để bán rẻ cổ phần cho doanh nghiệp

Nguyễn Phong | 09:59 30/10/2019

(THPL) - Lợi dụng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một số đơn vị tìm cách ban phát công sản cho nhau, hình thành “nhóm lợi ích”. Việc CP hóa, thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP cấp nước Ninh Thuận cũng là một trường hợp tương tự.

Bán thấp hơn giá trị thực

Công ty CP cấp nước Ninh Thuận được thành lập theo Quyết định số 4088/QĐ-UBND ngày 27/9/2007 của UBND tỉnh Ninh Thuận do Phó chủ tịch Đỗ Hữu Nghị ký về việc phê duyệt phương án CP hóa và chuyển Công ty cấp nước Ninh Thuận thành công ty CP. Nghành nghề chính của công ty là kinh doanh nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất; khảo sát, thi công các công trình nước. Loại hình hoạt động công ty là công ty đại chúng niêm yết và giao dịch cổ phiếu thông qua sàn giao dịch Upcom HNX thuộc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tổng số vốn điều lệ của công ty tính đến ngày 31/12/2017 khoảng 94.908.414.916 đồng, tương ứng với 9.490.841 CP sau hai lần giao dịch bán CP và một lần giao dịch hoán đổi nợ thành CP với Công ty TNHH TM và XD Sơn Long Thuận. Trong cơ cấu CP trên, vốn Nhà nước nắm giữ 4.940.555 CP (tương ứng với 52,06%), Công ty TNHH TM và XD Sơn Long Thuận nắm 4.022.486 CP (tương ứng 42,38%), các tổ chức cá nhân khác nắm giữ 527.800 CP (tương ứng với 4,46%).

Giao dịch của bà Nguyễn Thị Hoa-kế toán trưởng.

Thoạt nhìn qua những con số trên chắc hẳn bạn đọc sẽ chẳng mảy may nghi ngờ gì tới việc CP hóa tại doanh nghiệp này bởi lẽ Công ty cấp nước Ninh Thuận là đơn vị duy nhất của tỉnh có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, nằm trong danh mục do chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017. Tuy nhiên, quá trình tiến hành CP hóa tại đây lại bộc lộ những dấu hiệu không bình thường khiến nhiều người dân và những người lao động tại công ty này bức xúc. 

Trong quá trình tìm hiểu để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi đã có trong tay những tài liệu, chứng cứ cho thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Trước hết, chúng tôi xin đề cập đến việc vì sao không đưa những tuyến ống đã được các sở, nghành đầu tư xây dựng và bàn giao cho Công ty cấp nước Ninh Thuận quản lý, sử dụng vào phương án vốn trong CP hóa doanh nghiệp? Những tuyến ống này có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng vẫn được Công ty CP cấp nước Ninh Thuận “xài chùa” cho đến ngày hôm nay mà ở bài trước Thương hiệu và Pháp luật đã phản ánh. Không đưa những tài sản này vào phương án ghi vốn là việc làm có chủ đích nhằm hạ thấp giá trị doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi phải bỏ ra lượng tiền ít hơn so với thực tế. Điều này rõ ràng đã làm phương hại đến quyền lợi của chính những người lao đông và làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước.

Trao đổi với PV về câu hỏi vì sao không đưa rất nhiều những tuyến ống mà chúng tôi nắm được vào việc tăng giá trị vốn doanh nghiệp, hai cán bộ cấp trưởng phòng của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (đơn vị tư vấn) cho biết: “Chúng tôi tư vấn dựa trên những hồ sơ mà phía đối tác cung cấp và cũng có xuống cơ sở làm việc nhưng không thể xác định được có hay không những nguồn vốn khác do chúng tôi không được cung cấp. Trên cơ sở những hồ sơ có được và các tiêu chí định giá mà chúng tôi tham mưu cho tỉnh (Ninh Thuận - PV) mức giá khởi điểm là 12.900 đồng/cổ phần”.

Đến đây, PV lại được hé mở thêm một thông tin “động trời” hơn nữa, đó là việc có doanh nghiệp đã từng đề xuất được trở thành nhà đầu tư của Công ty CP cấp nước Ninh Thuận với một mức giá rất cao nhưng lại không được lựa chọn. Cụ thể vào ngày 14 /3/2017, Công ty CP nhựa Đồng Nai (ĐN Corp) đã gửi văn bản số 44/2017/CV-DNP do ông Vũ Đình Độ (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty) ký về việc “bày tỏ tham gia mua cổ phần nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận”. Tại điều 3 của văn bản này, Công ty CP nhựa Đồng Nai chính thức chào mua theo giá thị trường với giá khởi điểm là 17.000 đồng/cổ phần. Làm một phép so sánh đơn giản sự chênh lệch giữa mức giá 17.000 đồng của đơn vị này và mức giá chưa tới 14.000 đồng của đơn vị được lựa chọn là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận trên tổng số gần 3,5 triệu CP, chúng ta sẽ thấy khoảng 10 tỷ đồng lý ra thuộc về ngân sách của tỉnh Ninh Thuận đã bị từ chối.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Để rộng đường dư luận, PV đã tiếp cận với văn bản “phương án chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận” do ông Nguyễn Hoàng (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty) kí ban hành ngày 19/11/2015 (lúc đó ông Nguyễn Hoàng cũng là Phó giám đốc Sở Tài chính, Phó ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận, nay đã nghỉ hưu - PV). Tại văn bản này, ông Hoàng thay mặt người đại diện vốn đề xuất mức giá khởi điểm là 12.900 đồng/cổ phần. Nhiều lần liên hệ với ông Hoàng để trao đổi về vấn đề trên, ông này cho biết sẽ trả lời PV khi được UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép, nhưng sau đó ông này liên tục tắt điện thoại để trốn việc cung cấp thông tin.

Công ty CP cấp nước Ninh Thuận.

Chúng tôi cũng nhiều lần liên hệ làm việc và gửi đề nghị cung cấp thông tin đến ông Phạm Văn Hậu (Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận) để làm rõ thêm về công văn số 1164/QĐ-UBND ngày 16/5/2016 do chính ông này ký về việc phê duyệt giá khởi điểm cổ phần và phương án thoái vốn để thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP cấp nước Ninh Thuận. Sau rất nhiều lần liên lạc với ông Hậu, chúng tôi nhận được câu trả lời đã chuyển thông tin sang ông Võ Minh Tâm (Phó ban tiếp công dân của UBND tỉnh Ninh Thuận). Quả bóng trách nhiệm cung cấp thông tin này được chuyền qua lại giữa hai ông từ tháng 8/2019 đến nay đã làm PV gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thông tin. Phải chăng trong thương vụ này có nhiều khuất tất nên những người có trách nhiệm liên quan tìm cách né tránh?

Như vậy chỉ bằng việc CP hóa một doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn, với những thủ thuật được tính toán một cách kỹ lưỡng, hàng chục tỷ đồng tiền đầu tư các tuyến ống bị bỏ ngoài phương án vốn đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân được sở hữu CP dưới giá trị thực. Từ chối chọn nhà đầu tư đưa mức giá đề nghị cao để ưu ái cho một nhà đầu tư khác với mức giá thấp hơn rất nhiều đã khiến cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Phải chăng việc CP hóa tại Công ty CP cấp nước Ninh Thuận đã là hình bóng của thương vụ mua bán Cảng Quy Nhơn? Trách nhiệm thuộc về ai, chúng tôi xin được chuyển câu hỏi này đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan liên quan để sớm có câu trả lời cho bạn đọc.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu