14:39 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những vấn đề pháp lý đặt ra sau cái chết của cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

PV | 22:24 25/07/2019

(THPL) - Vừa qua, thông tin ông Trần Bắc Hà đang bị tạm giam tử vong khi vụ án chưa được đưa ra xét xử gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu cái chết của ông Hà trong thời điểm này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến việc giải quyết vụ án?

Vừa qua, thông tin ông Trần Bắc Hà đang bị tạm giam tử vong khi vụ án chưa được đưa ra xét xử gây xôn xao dư luận. Được biết, ông Trần Bắc Hà đã từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc (2003-2007), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV (2008-2016). Tháng 11/2018, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015. Cùng bị khởi tố với ông Hà còn có các bị can Trần Lục Lang (Phó Tổng Giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh).

Ông Trần Bắc Hà

Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu cái chết của ông Hà trong thời điểm này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến việc giải quyết vụ án?  Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, Luật sư Nguyễn Quang Anh - Công ty Luật TNHH Sao Việt - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội sẽ gửi tới độc giả những phân tích rõ ràng trên phương diện pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 157 và Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự (Bộ luật TTHS) năm 2015 thì CQĐT sẽ đình chỉ điều tra đối với ông Trần Bắc Hà. Việc đình chỉ điều tra này không liên quan đến các bị can khác trong vụ án nên những bị can này vẫn phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình và vụ án vẫn được giải quyết theo đúng trình tự bình thường.

Việc đình chỉ điều tra đối với ông Trần Bắc Hà không có nghĩa là tất cả những chứng cứ liên quan đến lời khai của ông Hà trước đó sẽ vô giá trị. Tuy nhiên, việc sử dụng lời khai của ông Hà khi còn sống nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án vẫn là một vấn đề cần được xem xét thấu đáo.

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật TTHS năm 2015 về xác định sự thật vụ án đã ghi rõ: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”. Bởi vậy, sau khi ông Trần Bắc Hà mất sẽ có hai vấn đề vướng mắc liên quan đến việc xác định sự thật của vụ án:

Thứ nhất, về vấn đề mâu thuẫn lời khai, Khoản 1 Điều 189 Bộ luật TTHS năm 2015 về đối chất có quy định: “1. Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất...”.

Vậy nên, nếu những lời khai của ông Trần Bắc Hà khi còn sống phù hợp với lời khai của những người có liên quan hoặc/và phù hợp với những chứng cứ khác trong vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng lời khai này làm chứng cứ trong việc giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, đối với trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa ông Trần Bắc Hà với những người khác và chứng cứ khác thì Cơ quan tiến hành tố tụng (CQ-THTT) sẽ phải tiến hành hoạt động đối chất với ông Trần Bắc Hà. Nhưng, trên thực tế hoạt động đối chất sẽ không thể diễn ra, việc này dẫn đến hệ quả là những lời khai mâu thuẫn của ông Hà với những nguồn chứng cứ khác trong vụ án sẽ khó được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Mặt khác, việc những người liên quan trong vụ án “thay đổi lời khai”… để “đổ lỗi” cho người đã chết là ông Hà cũng có thể xảy ra và việc này sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra xác định sự thật của vụ án. Để giải quyết vấn đề này, cá nhân tôi cho rằng CQ –THTT cần:

-         Xác định lý do của việc “thay đổi lời khai” của các bị cáo khác, đồng thời xác định lời khai thay đổi đó có phù hợp với các tình tiết khách quan khác của vụ án hay không?

-         Xem xét tổng thể mối quan hệ giữa những lời khai mâu thuẫn không thể đối chất được đó với tất cả các nguồn chứng cứ khác của vụ án. Tuy nhiên, cần lưu ý đến nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và nguyên tắc suy đoán vô tội mà Hiến pháp và luật quy định.

Thứ hai, những vấn đề không thể làm rõ được nếu thiếu lời khai của ông Hà thì CQ- THTT phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và nguyên tắc suy đoán vô tội để giải quyết vụ án.

Trong vụ án này, vấn đề Bồi thường thiệt hại cho BIDV đối với ông Trần Bắc Hà cũng được dư luận quan tâm. Việc ông Hà gây thiệt hại cho BIDV thì đương nhiên vẫn phải truy cứu trách nhiệm dân sự và đương nhiên những người thừa kế có trách nhiệm phải đứng ra thực hiện các thủ tục để bồi hoàn thiệt hại thay cho ông Hà. Tuy nhiên, việc xác định “lỗi” của ông Hà đến đâu để xác định nghĩa vụ cụ thể bồi thường thiệt hại cho BIDV và việc đình điều tra với ông Hà (Điều 230 Bộ luật TTHS năm 2015) có ảnh hưởng gì đến việc giải quyết toàn bộ vụ án lại là một vấn đề pháp lý hiện gây nhiều tranh cãi.

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật TTHS thì “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Trong trường hợp  này, các tình tiết của vụ án cho thấy có đủ căn cứ để xác định, chứng minh về thiệt hại nhằm giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, đồng thời thiệt hại và mức độ thiệt hại cũng là căn cứ để xác định tội danh cũng như khung hình phạt của loại tội này. Hơn nữa, hành vi gây thiệt hại do ‘lỗi’ của ông Hà được thực hiện trong mối tương tác với các hành vi có tổ chức có sự tham gia của nhiều bị can-đồng phạm liên quan của vụ án, cần phải được xem xét, đánh giá trong tổng thể của cả vụ án. Mặt khác, lời khai của ông Hà khi còn sống được thực hiện phù hợp với các quy định tố tụng hình sự đổi với người có thể trạng tâm lý khỏe mạnh, đầy đủ năng lực hành vi; không thể không sử dụng như chứng cứ phục vụ công tác điều tra, xét xử. Bởi vậy, việc tách riêng trách nhiệm dân sự của ông Hà để giải quyết trong vụ án khác là điều không thể về mặt logic pháp lý.

Quan điểm của một số người cho rằng khi đã đình chỉ điều tra với ông Hà sẽ đồng nghĩa với việc không xác định lỗi của ông Hà, dẫn tới việc không thể xác định được trách nhiệm cá nhân của ông Hà đối với phần bồi thường thiệt hại. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì khi đình chỉ việc xác định trách nhiệm hình sự đối với các bị can sẽ không đồng nghĩa với việc đình chỉ phần trách nhiệm dân sự của bị can. Bởi vậy, mặc dù vụ án đã đình chỉ về hình sự với bị can nhưng CQ-THTT vẫn phải xác định lỗi của bị can (đã chết) để xác định phần nghĩa vụ dân sự mà họ phải gách chịu; đồng thời qua đó cũng xác định được phần trách nhiệm dân sự còn lại đối với những đồng phạm khác. Việc này không những phù hợp với quy định của pháp luật hình sự mà còn phù hợp với quy định của Điều 587 Bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.

Khoản 2 Điều 230 Bộ luật TTHS quy định“Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ …việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan”. Theo tôi, quy định này cần phải sửa đổi vì: quy định như vậy dẫn đến sự hiểu nhầm là trả lại tài sản cho bị can thì bị can sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nữa. Không những thế, người thân của bị can (đã chết) cũng có thể nhân đó tẩu tán tài sản làm ảnh hưởng đến việc thi hành án sau này; và việc “trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác liên quan” sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình CQ- THTT xác định sự thật của toàn bộ vụ án.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu