10:29 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm

17:05 07/10/2024

(THPL) - Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương. Tại phiên họp, các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra 13 kết quả nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm.

13 kết quả nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm:

Thứ nhất, thực hiện được mục tiêu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Thứ hai, tăng trưởng được thúc đẩy, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng cao hơn so với kịch bản đã đề ra: GDP quý I tăng 5,66%, quý II tăng 6,93%, quý III tăng 7,4%, tính chung 9 tháng tăng 6,82%. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Thứ ba, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (lạm phát cơ bản tăng 2,69%). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% (khu vực trong nước tăng 20,7%; khu vực FDI tăng 13,4%); nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43,0%.

Thứ sáu, tình hình tài chính – ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn quy định; đồng thời, trong 9 tháng đầu năm đã miễn, giảm 116,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; dự kiến tổng số cả năm 2024 khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng.

Thứ bảy, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 6,8%; trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 4,1%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 7,1%, khu vực FDI tăng 10,7%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% (cao nhất 5 năm qua).

Thứ tám, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, 9 tháng có 183 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163 nghìn).

Thứ chín, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thực hiện Đề án 06. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193.

Thứ mười, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc so với năm 2023, xếp hạng 44/133, tăng 4 bậc so với năm 2022.

Mười một, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân của lao động 9 tháng đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong quý III có 96,1% số hộ gia đình đánh giá thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ.

Mười hai, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi). Trong đó, đã huy động được 3,4 nghìn tỷ đồng cùng nhiều vật tư, nhu yếu phẩm; Chính phủ cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Mười ba, tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng kinh tế Việt Nam. IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,1%, WB dự báo tăng 6,1%, ADB dự báo tăng 6%; Fitch Ratings dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 6-7% trong trung hạn, mặc dù đánh giá tình hình thế giới, khu vực còn nhiều khó khăn.

Trước những kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ đánh giá: "Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng năm 2024 tốt hơn 9 tháng của năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực".

Theo Thủ tướng, tăng trưởng phục hồi mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Phản ứng chính sách, hành động của các bộ, ngành, địa phương là điểm sáng, điểm nhấn của quý III và tháng 9, nhất là trước bão lũ vừa qua, các địa phương đã ứng phó và phục hồi nhanh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao, y tế, giáo dục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, phát huy, tinh thần "tương thân, tương ái" được thể hiện rõ.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, do nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế thế giới còn bấp bênh, hậu quả bão số 3, những vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính còn những rào cản, đời sống một bộ phận người dân, nhất là sau bão lũ còn khó khăn…

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV còn rất nặng nề trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ các thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nỗ lực hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu