11:50 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn, nợ xấu tăng cao bất ngờ

14:38 05/11/2018

(THPL) - Năm nay, so với mặt bằng chung, khối ngân hàng Việt có lợi nhuận tăng "khủng", tuy nhiên cũng bất ngờ khi một số nhà băng lại xuất hiện xu hướng nợ xấu vọt tăng.

Nhiều ngân hàng báo lãi "khủng"

Theo báo Dân trí, báo cáo tài chính của 26 ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67 nghìn tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó 16/26 ngân hàng tăng trưởng trên 41%.

Có 15 ngân hàng thương mại cổ phần đã có lợi nhuận nghìn tỷ trong 9 tháng, điển hình có thể kể đến như: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, TPBank...

Trong đó, Vietcombank giữ "ngôi vương" với 9 tháng đầu năm lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank xếp vị trí số 2 trong hệ thống (nhưng lại dân đầu khối các ngân hàng không có vốn Nhà nước chi phối) với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017.

Xếp thứ ba về lợi nhuận phải kể đến VietinBank với lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt 7.596 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng.

ngân hàng
Nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong 9 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Nằm trong khối ngân hàng Nhà nước, theo kết quả cập nhật mới nhất từ Agribank, năm 2018 ngân hàng có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Đến 31/10/2018, lãi trước thuế của ngân hàng này ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank hợp nhất 9 tháng lãi đạt hơn 6.100 tỷ đồng; MB lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng; TPBank lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017, từ 807 tỷ đồng lên 1.613 tỷ đồng. 

Phân tích báo cáo tài chính có thể thấy, để đạt được con số lãi nghìn tỷ đồng, các ngân hàng đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi bên ngoài (thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn…). Và trong bối cảnh này, một số ngân hàng đã xin nới hạn mức tín dụng và mới nhất có Techcombank được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Do đó, ngân hàng này sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.

Hiện tại, lợi nhuận của 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Trong đó, 21/26 ngân hàng đã hoàn thành được hơn 70%; những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch chỉ trong 9 tháng.

Sao nợ xấu lại tăng cao? 

Theo báo Tiền phong, bên cạnh bức tranh lợi nhuận sáng, báo cáo 9 tháng của các ngân hàng cũng có diễn biến lạ: Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng.

Nợ xấu tại ACB hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm.

Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng... 

Nợ xấu trong xu hướng chung đã giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Giới phân tích cho rằng, đó không hẳn là kết quả tiêu cực bởi dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.

“Về tổng thể, hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)”, một chuyên gia tài chính nhận xét. 

Một lãnh đạo NHNN cho biết: Phân tích nợ xấu phải nhìn vào việc trích lập dự phòng để biết bản chất nợ xấu thực và có thể lợi nhuận dự phòng. Nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và có nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 (nợ quá 360 ngày). NHNN đang yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tính nợ xấu và yêu cầu phân loại nợ theo khách hàng chứ không phải phân theo khoản nợ. Do đó, nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn có xu hướng tăng mạnh.

Tuy nhiên, điểm khác là nợ nhóm này đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Do đó, nếu sau này chuyển được nhóm nợ xuống thấp hơn hay thu hồi thì khoản trích lập dự phòng đương nhiên có thể tính thành lợi nhuận ngân hàng. Điểm đặc biệt đáng lưu ý hơn, theo vị lãnh đạo NHNN, đó là với cách tính này, nợ xấu hiện chỉ có một con số chứ không phải hai con số như trước đây. Điều này sẽ đưa nợ xấu về đúng bản chất. 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu