04:18 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Một số ngân hàng sắp chạm đích lợi nhuận cả năm sau 3 quý

| 10:27 08/10/2018

(THPL) - Kết quả đạt được của một số ngân hàng phần nào phản ánh đúng kỳ vọng của các tổ chức tín dụng từ cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cuối quý II vừa qua.

Theo báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, việc về đích sớm chỉ tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng trong năm nay là có cơ sở. Mặc dù chưa công bố số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm, song lãnh đạo OCB tự tin với mục tiêu lợi nhuận nói trên.

Hai quý đầu năm nay, OCB đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này, theo ông Tùng, một phần là nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu để giảm dự phòng rủi ro và tín dụng tăng trưởng tích cực.

Số liệu kinh doanh 9 tháng ước tính cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận tươi sáng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngân hàng cho biết, sau 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt gần 15%, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp và lợi nhuận trước thuế ước tính vượt mức 11.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2017, tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ 2017.

ngân hàng
Một số ngân hàng sắp chạm đích lợi nhuận cả năm chỉ sau 3 quý. Ảnh minh họa: Internet

Như vậy, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế Vietcombank đưa ra đầu năm nay ở mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng thì nhà băng này đã sắp chạm đích. Dự báo được đưa ra từ Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), khả năng Vietcombank đạt 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.

Tín dụng đã tăng trưởng ở mức cao trong 3 quý đầu năm, Ngân hàng Nhà nước công bố không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay là cơ hội để Vietcombank tập trung đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ.

Vietcombank dự kiến nâng tỷ trọng thu dịch vụ và phi tín dụng lên 30% trong cơ cấu lợi nhuận; đồng thời, dịch chuyển tín dụng theo hướng chọn lọc các dự án hiệu quả hơn, bán lẻ với biên lợi nhuận cao.

Trong khi đó, TPBank báo lãi trước thuế hơn 1.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, kết thúc tháng 9/2018, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 4.035 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.613 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt trên 11%. Như vậy, TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% mục tiêu kế hoạch cả năm. Lãnh đạo TPBank tin tưởng hoàn thành mục tiêu 2.200 tỷ đồng trong năm nay.

Kết quả đạt được của một số ngân hàng nói trên phần nào phản ánh đúng kỳ vọng của các tổ chức tín dụng từ cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cuối quý II vừa qua.

Theo đó, có đến 76,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III/2018 và 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong cả năm 2018.

Đồng thời, có 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017, với lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018.

Theo báo VnEconomy, một lãnh đạo cao cấp của TPBank cho biết về tổng thể vĩ mô, sau thành công 2017, đến 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo tiếp tục đạt mức cao, có thể lên tới 6,9-7%. Đây là cái nền đầu tiên, môi trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo TPBank cũng lạc quan, việc Ngân hàng Nhà nước định hướng siết lại tăng trưởng tín dụng đang là thực tế của 2018 và định hướng 2019, để tránh các ngân hàng thương mại ỉ lại, dựa quá nhiều vào tín dụng.

Tại nhiều thành viên hiện nay, lợi nhuận đã bớt dựa nhiều vào tín dụng truyền thống; tỷ lệ thu ngoài lãi, từ dịch vụ đã gia tăng lên 20%, 30%, thậm chí gần 40%. Sự gia tăng nguồn và tỷ trọng này cũng góp phần giải thích cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao 2017 và 2018, cả triển vọng 2019.

Như giải thích từ đại diện TPBank, lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tự tin rằng, với dịch vụ, đặc biệt ở kênh ngân hàng số, độ trễ đầu tư những năm qua đến nay đã và đang được rút ngắn, nay bắt đầu kỳ hái quả. Đây là xu hướng vận động của tương lai, theo mô hình và đòi hỏi về ngân hàng hiện đại và độ trễ cũng đã, đang rút ngắn ở những mô hình khác để góp vào tốc độ gia tăng lợi nhuận các ngân hàng thương mại hiện nay, trong tương lai gần.

Sau những năm đầu khởi động và kết nối, hoạt động ngân hàng liên kết bảo hiểm đã tạo đóng góp lớn tại nhiều thành viên. Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)…, mô hình mở rộng các vệ tinh như công ty tài chính tiêu dùng, công ty bảo hiểm cũng đã và đang đến kỳ hái quả, trở thành trợ lực quan trọng cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Tất nhiên, qua năm 2017 và đặc biệt năm 2018, sự bùng nổ của lợi nhuận các ngân hàng nói chung đã tạo một mặt bằng mới, tạo một nền cao hơn nhiều năm trước mà qua đó tham chiếu cho tăng trưởng năm sau sẽ khác đi.

Theo đó, từ năm 2019, dự báo tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng sẽ "bớt nóng" và dần ổn định ở quỹ đạo mới, cách biệt so với giai đoạn 2012 - 2016.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu