18:54 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều nạn nhân tố cáo bà Nguyễn Thị Hợp lừa tiền hàng chục tỉ đồng

PV | 17:46 11/05/2024

(THPL) - Bằng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, bà Nguyễn Thị Hợp (sinh năm 1960, tại xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bị tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân với hình thức môi giới việc làm cho nhà thầu.

Phản ánh tới tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật, hàng chục nạn nhân gửi đơn kêu cứu, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Hợp. Theo đó, bà Hợp đã lợi dụng vào điểm yếu của các nạn nhân là cần việc làm cho công nhân, tự giới thiệu quen với nhiều lãnh đạo cấp cao để chắc chắc ký được hợp đồng “hời”.

Đơn cử như trường hợp của ông Dư Văn Hiến (sinh năm 1968, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) tố cáo bà Hợp lừa đảo số tiền 531.000.000 đồng (Năm trăm ba mươi mốt triệu đồng chẵn) với lý do cung cấp thực phẩm vào Trại tạm giam số 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tin theo lời bà Hợp, ông Hiến đã chạy vạy khắp nơi để vay mượn số tiền trên.

Đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Hợp của ông Dư Văn Hiến và ông Nguyễn Xuân Triệu 
Tổng số tiền ông Dư Văn Hiến đưa bà Hợp cầm với lý do cung cấp thực phẩm vào Trại tạm giam số 1, Hà Nội 

Cũng chung bánh vẽ với ông Hiến, ông Nguyễn Xuân Triệu (sinh năm 1967, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) tố cáo bị lừa với tổng số tiền là 787.000.000 đồng (Bảy trăm tám mươi bảy triệu đồng chẵn). Ông Hiến vô cùng bàng hoàng khi biết số tiền mình đưa đã bị bà Hợp lừa mất một cách trắng trợn, và không có việc cung cấp thực phẩm cho trại giam số 1 như bà Hợp đã đưa ra. Dù đã nhiều lần liên hệ để đòi tiền nhưng bà Hợp cố tình trốn tránh, có gặp cũng không đòi được. 

Trường hợp khác cũng được bà Hợp giới thiệu về dự án thuộc chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch” tại khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), bà Phạm Thị Hiền (sinh năm 1958, tại Cầu Giấy, TP.Hà Nội) đã đưa cho bà Hợp tổng số tiền là 2.350.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm năm mươi triệu đồng). Trong đó, có 1 tỷ 470 triệu đồng là tiền mặt có giấy biên nhận, 381 triệu đồng tiền mặt không có giấy biên nhận và 499 triệu đồng tiền chuyển khoản.

Tuy nhiên, sau thời gian dài chờ đợi và không có phản hồi, bà Hiền đã nghi ngờ về tính chính xác của “bánh vẽ” mà bà Hợp đưa ra. Bà Hiền đã nhiều lần liên hệ với bà Hợp ngỏ ý xin lại tiền nhưng đều là hứa hẹn, kế hoạch trả nợ cùng những tờ giấy viết tay có ký xác nhận; hiện bà Hiền vẫn chưa nhận lại được tiền.  

Đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Hợp của bà Phạm Thị Hiền 

Tinh vi và tạo niềm tin bằng “giấy trắng mực đen”, bà Hợp đã xác nhận cầm của bà Hiền số tiền là 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng chẵn), có ký xác nhận. Đặc biệt, trong số những tờ giấy viết tay có ký xác nhận, bà Hợp còn ghi rất rõ nội dung số tiền cầm nhằm mục đích: “Chuẩn bị dự án đi vào khởi công thì được trừ vào tiền hỗ trợ công trình” ngày 18/10/2016. 

Bà Hợp cũng đã tạo ra một miếng “bánh vẽ” mới tại chính Thủ đô Hà Nội mang tên lắp đặt camera cho 3 quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, khiến anh Ngô Minh Hải (sinh năm 1981) bị lừa tổng số tiền là 110.000.000 đồng (Một trăm mười triệu đồng chẵn). Bà Hợp cũng đã tự tay viết một giấy biên nhận tiền cho anh Hải vào ngày 19/3/2022 và “cam đoan sự thật, nếu sai sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”. 

Không môi giới việc làm được cho các nhà thầu, tiền cũng không lấy lại được, nhiều nạn nhân đã nhiều lần gửi đơn, trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của bà Nguyễn Thị Hợp với cơ quan Công an cùng nhiều cơ quan chức năng khác, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới tình trạng đơn thư tố cáo sự việc kéo dài.

Ngoài các nạn nhân trên, bà Hợp còn bị tố cáo đã lừa các nạn nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng như: bà Lương và bà Tiến (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) mỗi người hơn 10 tỷ đồng, ông Quân (Thanh Hoá) hơn 3 tỷ đồng, bà Vũ Thị Lan (Bắc Ninh)  số tiền là 261.000.000 đồng (Hai trăm sáu mốt triệu đồng) và bà Phan Thuý Uyên (TP.HCM) với tổng số tiền là 2.500.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm triệu đồng).

Với mong muốn có thông tin khách quan, chính xác về việc có hay không việc cung cấp thực phẩm cho trại giam số 1, PV đã liên hệ làm việc tại trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Ngày 07/05, trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật, Đại diện cán bộ trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội khẳng định: “Bản thân chúng tôi không biết bà Nguyễn Thị Hợp là ai và chắc chắn tại trại tạm giam số 1 cũng không có việc cung cấp thực phẩm cho trại giam”.

Chia sẻ về vấn đề pháp lý, Luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Bà Hợp sẽ phải đối diện ở mức kịch khung do chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên. Ở khung 4 này mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Thiết nghĩ, thông thường việc vay mượn tiền là giao dịch dân sự do các bên thống nhất và thoả thuận. Tuy nhiên, qua những đơn kêu cứu và tố cáo của nhiều công dân gửi đến Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật cũng như các cơ quan chức năng, có thể nhận thấy sự việc nhiều bị hại cùng bức xúc tố cáo một người về hành vi môi giới việc làm, vay tiền sau nhiều năm không trả theo cam kết. Điều này rất cần cơ quan Công an vào cuộc để làm rõ bản chất vụ việc. Nếu có dấu hiệu hình sự thì cần xử lý dứt điểm, tránh để sự việc khiếu kiện kéo dài.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu