06:02 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều hành khách "vật vã" trên đường trở lại làm việc

| 13:25 03/02/2017

(THPL) - Để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên trong năm mới, nhiều hành khách ở xa phải chấp nhận mua vé xe với giá cao gấp đôi, gấp ba hoặc đồng ý cho nhà xe nhồi nhét khách, ngồi ghế phụ và thậm chí đứng nhiều giờ liền ở hành lang tàu hỏa.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gương mặt nhiều hành khách khi bước xuống xe lại bơ phờ, mệt mỏi. Không những ít hành khách ngồi nghỉ ngay tại hành lang của nhà ga, bến xe cùng với hành lý là những chiếc va ly to đùng.

Anh Nguyễn Văn Minh (quê Nam Định, công nhân Cty Samsung Thái Nguyên) chia sẻ: “Tôi trở lại làm việc vào mùng 6 Tết. Để đi làm đúng ngày, tôi bắt xe lên Thái Nguyên từ mùng 5 Tết. Mặc dù tôi biết xe khách sẽ rất đông, nhưng vì nhà nhiều việc tôi không thể lên sớm hơn, cũng không kịp đặt trước vé xe. Ra đến bến xe Nam Định thì đã hết vé, tôi đành đứng bắt xe dọc đường. Đợi 30 phút mà vẫn không đón được vì xe nào cũng đông. Tôi chấp nhận lên một chiếc xe chỉ có thể đứng vì quá đông người đi".

Hành khách vất vả ngồi chờ đợi tàu tại Ga Sài Gòn. Ảnh: Phước Hải

Để tránh phải đi xe nhồi nhét, vợ chồng anh Dương Văn Tiến (quê Thanh Hóa, công nhân Cty Daiwa, KCN Bắc Thăng Long) đã cắt ngắn ngày nghỉ tết để đi lên Hà Nội từ mùng 4 Tết bằng xe giường nằm cho đỡ mệt vì còn con nhỏ. “Tôi đi sớm và đặt vé trước nên đủ chỗ cho gia đình. Nhưng bức xúc là ngày tết họ bắt khách dọc đường, chúng tôi mua vé nằm mà thành ra ngồi hết cả. Chúng tôi có ý kiến thì lơ xe lấy lý do ngày tết mong thông cảm. Nhìn chiếc xe giường nằm khá khang trang vậy mà bên trong thì người ngồi bó gối trên sàn, giường nằm thì thành ghế ngồi, đồ đạc thì ngổn ngang. Chuyến xe ngày tết khiến chúng tôi ám ảnh khó quên”- anh Tiến bức xúc.

Nhiều công nhân làm việc ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) quê từ miền Trung xa xôi cũng rất vất vả trên đường trở lại nơi làm việc. Chị Nguyễn Thị Châu Loan (công nhân KCN Bắc Thăng Long, quê tại Hà Tĩnh) chia sẻ: "Xa quê, cả năm mới về nhà một đôi lần nên tôi cố gắng ở lại với bố mẹ lâu nhất có thể. Vì vậy, mãi tận tối mùng 5 Tết, gia đình tôi mới bắt xe khách để lên Hà Nội (chị đã đặt vé từ trước tết). Xe chạy cả đêm, sáng đến nơi thì cũng kịp thời gian tôi đến Cty bắt đầu làm việc. Hy vọng được ngủ ngon để có đủ sức khỏe đứng máy, chứ nếu thức cả đêm trên xe thì chắc tôi kiệt sức mất” - chị chia sẻ. Cũng may là chồng chị chưa phải đi làm ngay nên có thể trông con nhỏ tại phòng trọ.

Vào những dịp ngày lễ hoặc Tết, ga Sài Gòn luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Phước Hải

Bên cạnh đó, ngành vận tải đường sắt cũng rơi vào tình trạng quá tải. Mặc dù đã tăng chuyến, nhưng tàu hỏa vẫn rơi vào tình trạng hết vé. Bán hết vé chính, nhưng do nhu cầu đi lại của hành khách quá đông nên vé phụ được bán ra. Nhiều hành khách chấp nhận mua ghế phụ để có thể lên được Hà Nội cho kịp ngày làm việc đầu năm.

Anh Nguyễn Văn Tùng đang làm việc tại một Công ty ở Hà Nội chia sẻ: "Khi mua vé ngồi phụ trên tàu, nếu may mắn thì được xếp vào toa giường nằm. Khéo léo một chút thì có thể xin ngồi nhờ giường của hành khách trên tàu, như thế đỡ mệt hơn là ngồi ghế nhựa ngoài hành lang. Đi tàu khổ nhất là những trẻ nhỏ, vì quá đông người, không gian chật hẹp khiến chúng khó chịu, nhìn mà thương".

Vừa đặt chân xuống ga Hà Nội, một hành khách quê ở Nghệ An như được “sống” lại lần nữa, chị nói : “Để tránh sự chen lấn của xe khách, tôi đã đặt vé tàu sớm, nhưng cuối cùng chỗ không được ngồi vì tàu đông, mọi người rất lộn xộn”.

Một số khác, nhiều bạn trẻ và một số ít người dân, chọn cách đi bằng xe máy lên thành phố để chủ động thời gian và không phải chen lấn nhau lên tàu, xe. Anh Lê Văn Thành quê ở Hòa Bình chia sẻ: “Nhà tôi cách Hà Nội gần 100km nên tôi chọn đi, về bằng xe máy. Nghe bạn bè trong Công ty phản ánh sự bực bội, khổ sở khi đi xe khách từ quê lên vào những ngày lễ, tết mà tôi cảm thấy... nản, không dám “sa chân” vào phương tiện trên, dù biết là đi xe máy thì nguy cơ TNGT rất cao, do đường rất đông. Dù vậy, thì mình đi chậm, cẩn thận một chút là đến được phòng trọ an toàn, bắt đầu năm làm việc mới”.

Phước Hải

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu