15:21 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều địa phương tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi

Minh Đức (tổng hợp) | 15:04 02/11/2020

(THPL) - Sau một thời gian dài kiểm soát tốt dịch bệnh, gần đây dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện trở lại tại một số tỉnh, thành phố và có chiều hướng gia tăng khiến người chăn nuôi lần nữa phải lao đao.

Tại Hà Nội, trong 2 ngày liên tiếp cuối tháng 10 vừa qua tại huyện Chương Mỹ (gồm thôn Tân Hợp - xã Văn Võ và Nghĩa Hảo - xã Phú Nghĩa), cơ quan chức năng đã ghi nhận bệnh DTLCP xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi, làm chết và buộc phải tiêu hủy 29 con lợn.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho thấy, lũy kế từ ngày 4/9/2020 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 11 hộ chăn nuôi ở 11 thôn thuộc 10 xã của 5 huyện (Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên và Thanh Oai). Bệnh dịch đã làm chết và tiêu hủy 265 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 15.412kg.

Báo Kinh tế và Đô thị cho hay, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngay khi bệnh dịch được phát hiện, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền các địa phương thực hiện đầy đủ các bước phòng chống, khống chế, không để ổ dịch lan rộng. Đồng thời, thực hiện giám sát, theo dõi số lợn còn lại trong đàn theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, nguy cơ bùng phát bệnh DTLCP trên địa bàn TP hiện vẫn rất cao. Nguyên nhân là do dịch bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc điều trị, vắc xin phòng bệnh. Tại Hà Nội, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao; việc sử dụng thức ăn thừa còn phổ biến. Cùng với đó, tâm lý chủ quan cũng xuất hiện khá nhiều trong các hộ chăn nuôi do dịch bệnh có chiều hướng giảm từ đầu năm 2020…

Nhiều địa phương tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ảnh: Internet)

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trước diễn biến khá phức tạp của DTLCP, đơn vị đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở tái đàn đảm bảo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo; nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông…

Báo Nhân dân đưa tin, liên quan đến dịch tả tái bùng phát, tại Thái Bình sáng 28/10 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình xác nhận: Hiện, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trở lại địa phương. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc một cách khẩn trương để bao vây, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo đó, tính đến hết ngày 27/10, toàn tỉnh đang phát sinh 16 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tại năm huyện. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 545 con, với tổng trọng lượng là hơn 33 tấn. Số hóa chất đã sử dụng để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại cấp phát cho các ổ dịch là gần 900 lít và hơn 14 tấn vôi bột.

Tính riêng trong ngày 27/10, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại tám ổ dịch cũ của bốn huyện: Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà và Quỳnh Phụ. Số lợn đã tiêu hủy là 51 con, bao gồm 22 lớn nái và 29 lợn thịt.

Đáng chú ý, huyện Vũ Thư là nơi để dịch lây lan khá nhanh, đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi ở địa phương này. Cụ thể, ở đây đang xuất hiện ổ dịch tại xã Hòa Bình (số lợn ốm, chết đã tiêu hủy là một con); xã Việt Hùng (số lợn ốm, chết đã tiêu hủy là 22 con); xã Minh Khai (số lợn ốm, chết đã tiêu hủy ba con); xã Tân Lập (số lợn ốm, chết đã tiêu hủy là ba con).

Hiện, Trung tâm Chẩn đoán Thú y đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7695 khẳng định một mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi lấy tại thôn Nam Hưng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư.

Còn tại Hà Tĩnh, trong gần 1 tháng qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện trở lại tại địa bàn 3 huyện Can Lộc, Hương Sơn, Thạch Hà (Hà Tĩnh) khiến hơn 120 con lợn bị nhiễm bệnh. Hiện DTLCP đã phát sinh tại địa bàn 5 xã: Quang Lộc, Xuân Lộc (huyện Can Lộc); Sơn Tây, Sơn Hồng (huyện Hương Sơn); Thạch Trị (huyện Thạch Hà).

Dịch bệnh xảy ra ở 14 hộ chăn nuôi thuộc 8 thôn, làm cho 120 con lợn bị nhiễm bệnh; chết và tiêu huỷ 110 con với tổng trọng lượng là 4,5 tấn. Các ổ dịch tái phát chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu