20:52 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nguyễn Thị Hữu Hạnh - Nữ nghệ nhân tranh thêu có tấm lòng vàng

| 11:24 28/06/2017

(THPL) - Hơn 30 năm xây dựng thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh là chừng ấy năm nữ nghệ nhân dành nhiều tình cảm, tâm huyết dạy nghề, truyền nghề cho hơn 1.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước.

Tình yêu với đường kim, mũi chỉ

Tiếp tôi tại Cửa hàng “Tranh thêu Hữu Hạnh” (số 1, đường Trương Công Định, phường 1, TP. Đà Lạt) cũng là nơi làm việc, dường như niềm hạnh phúc cứ sóng sánh trên đôi mắt xinh đẹp của nữ nghệ nhân. Dù đã nhiều tuổi, song sự thông minh, nhanh nhẹn, nét duyên dáng của người phụ nữ Đà Lạt vẫn nguyên vẹn trong phong thái của chị.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ và tặng ảnh Bác Hồ cho nghệ nhân Hữu Hạnh năm 2014.

Khi mới 17 tuổi, chị Hữu Hạnh đã trở thành một người thợ có tay nghề cao và sản phẩm tranh thêu của chị đã xuất khẩu sang Nhật Bản và một số nước Đông Âu… Năm 1985, chị đứng ra thành lập Nhóm thêu tại nhà và bắt đầu dạy nghề cho học trò. Đến năm 1994, chị thành lập cơ sở Tranh thêu Hữu Hạnh; năm 1999 chuyển đổi thành Hợp tác xã, rồi Công ty Mỹ nghệ Hữu Hạnh. Đến năm 2010, chị thành lập thêm Công ty TNHH Mỹ nghệ và Mỹ thuật ứng dụng Hữu Hạnh do mình làm Giám đốc cho đến nay.

Chị tâm sự: “Nghề thêu cần lắm sự tỉ mỉ, tinh tế, gửi hồn vào đường chỉ mũi kim, ngoài năng khiếu thẩm mỹ đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự sáng tạo, cần mẫn và tâm huyết với nghề”. Chị chỉ học ở mẹ và vừa làm vừa học, với năng khiếu đặc biệt đã giúp Tranh thêu Hữu Hạnh khẳng định được tên tuổi trong giới tranh thêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Nói đến tranh thêu Đà Lạt, người ta đều biết đến “thương hiệu” Tranh thêu Hữu Hạnh.

Chị Hữu Hạnh luôn tìm học và sáng tạo nhiều kiểu thêu mới, là người tiên phong đưa kỹ thuật thêu ứng dụng vào mỹ thuật - hội họa, tạo ra trường phái thêu tay hiện đại. Hiện ở công ty của chị có các dòng tranh như: Tranh thêu hai mặt, tranh thêu nổi, tranh 3D…Tranh thêu Hữu Hạnh có mặt sớm nhất ở Đà Lạt và được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, đón nhận; tranh Hữu Hạnh đã có mặt ở nhiều nước như: Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Anh, Na Uy, Hàn Quốc… Nghệ nhân Hữu Hạnh đã từng nhận Thư khen của Tổng thống Pháp Jacques Chirac qua bức tranh chị thêu chân dung Tổng thống do UBND tỉnh Lâm Đồng tặng ông vào năm 1999.

Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh đã đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý: 2 lần đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” (năm 1997 và 2001); đoạt 6 Huy chương vàng liên tục từ năm 1996 đến năm 2001; Sao vàng đất Việt 2003; Giải thưởng “Dải băng xanh” 2010; “Bông hồng vàng” 2012 dành cho nữ doanh nhân thành đạt…; từ năm 2005, nghệ nhân Hữu Hạnh có 2 bức tranh thêu: “Thanh bình” và “Việt Nam ơi” được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... Ngày 10/6/2016, Công ty TNHH thêu nghệ thuật và Mỹ thuật Hữu Hạnh vinh dự nhận Giải thưởng “Top 100 Doanh nghiệp - Doanh nhân xuất sắc ASEAN” của Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/8/2016, nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh là người đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” quốc gia…

Nghệ nhân Hữu Hạnh trong phòng thêu mỗi ngày.

Nữ nghệ nhân có tấm lòng vàng

Hơn 30 năm xây dựng thương hiệu Tranh thêu Hữu Hạnh là chừng ấy năm chị dành nhiều tình cảm, tâm huyết dạy nghề, truyền nghề cho hơn 1.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước.

Chị Hữu Hạnh cho biết, những người theo chị học nghề thêu đa số là người khuyết tật và chủ yếu là nữ sinh ở các trường khiếm thính. Trước đây, mỗi năm chị mở 2 lớp dạy nghề cho hàng trăm học viên hoàn toàn miễn phí; đối với những học viên khuyết tật, trẻ lang thang, chị đưa về cơ sở của mình bố trí nơi ở, mở căn tin phục vụ ăn uống, sinh hoạt mà không thu bất cứ khoản phí nào. Ngoài đi dạy nghề ở một số nước và dạy tại cơ sở, chị còn mang tình thương và niềm trắc ẩn đến tận nơi thâm sơn cùng cốc để dạy cho những học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hơn 10 năm trước, một mình chị đã lặn lội tới tận vùng sâu Sơn Hòa (Phú Yên) để dạy cho Trần Thị Hoàng Oanh - cô gái tật nguyền (viết thư nhờ chị dạy nghề thêu mà không thể đến Đà Lạt được); hay trường hợp một cô gái ở quận Gò Vấp (TP. HCM) mặc cảm không muốn ra khỏi nhà, tha thiết muốn học nghề thêu để kiếm sống… Cứ vậy, nhiều thế hệ học trò của chị khắp nơi đã thành thợ giỏi, có người mở phòng thêu riêng hoặc đi làm cho các cơ sở thêu khác kiếm sống.

Hiên tại, Công ty TNHH Hữu Hạnh có hơn 50 người thợ làm việc và đều là học trò cũ của chị, trong đó có nhiều người khiếm thính được chị cưu mang từ ngày đầu giờ trở thành thợ giỏi, nghệ nhân đang cùng chị gắn bó với công ty.

Thanh Dương Hồng

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu