18:49 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ giống na “độc”

07:14 12/12/2023

(THPL) - Từ vùng đất đỏ sỏi ruồi của bản Mé Lếch (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), ông Nguyễn Hữu Tứ - Giám đốc HTX Mé Lếch đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô kém phát triển sang giống na “độc”, thơm mùi sầu riêng và có giá thành cao.

Hợp tác xã (HTX) Mé Lếch được thành lập tháng từ 4/2018, hiện nay có tới 20 thành viên và 180 ha cây ăn quả bao gồm 150 ha na địa phương, na hoàng hậu và na sầu riêng. Đây cũng là 1 trong những HTX tiêu biểu của khu vực Tây Bắc khi mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới ẩm của Israel, giúp đưa phân bón trực tiếp hòa tan vào nguồn nước tưới. 

Việc chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ và minh bạch được quy trình qua camera giám sát, nhật ký điện tử, mã QR truy xuất nguồn gốc đã giúp sản phẩm của HTX được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Ông Nguyễn Hữu Tứ - Giám đốc HTX Mé Lếch tại vườn na sầu riêng.

Theo ông Tứ chia sẻ: “Huyện Mai Sơn đại đa số đều là vùng đất đỏ sỏi ruồi, người dân chỉ biết trồng ngô nhưng năng suất lại thấp, mất mùa triền miên. Ban đầu, người dân cũng trồng thử nghiệm các giống na, do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc nên quả bé, vẹo vọ, cả vụ có khi còn lỗ vốn”. 

Ngay sau khi Ban thường vụ Tỉnh uỷ ban hành thông báo Kết luận số 121-TB/TU thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, xác định chuyển mạnh diện tích trồng ngô, lúa nương, sắn trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Anh Tứ đã được hỗ trợ rất nhiều về nguồn vốn, kiến thức chăm sóc, đầu tư thâm canh, cải tạo, khi ấy người dân mới nhận ra sỏi ruồi lại trở thành một nguồn dưỡng chất giúp cây na phát triển.

Nhờ đó mà vụ mùa năm 2018, trung bình 1ha na dai đã mang về gần 500 triệu đồng tiền lợi nhuận, riêng na Hoàng hậu đạt hơn 1 tỷ đồng. Cùng năm đó, HTX còn phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư rau quả Việt Nam nhập giống từ Đài Loan về ghép cải tạo giống na mới được gọi là na sầu riêng có trọng lượng to, giống khủng, đem lại giá trị kinh tế rất lớn. 

Cũng trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tứ cho biết thêm: “Chỉ sau 8 tháng gây giống và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, na đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Na sầu riêng có vị đặc biệt rất ngọt và thơm giống mùi sầu riêng, mỗi quả có trọng lượng từ 1 - 2,5kg. Giá bán tại vườn ở mức 150.000 đồng-400.000 đồng/kg, tổng số doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. Đến nay, diện tích trồng na này đã tăng lên gần 60ha, thời gian thu hoạch từ tháng 8 đến hết Tết Nguyên đán”.

Theo ông Tứ, điều quan trọng nhất trong việc sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường chính là đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân hiệu quả đến bao trái cho quả na đúng thời điểm để phòng ngừa sâu bệnh gây hại cũng đều được chú ý cẩn thận, tỉ mỉ.  

Na sầu riêng, cây ăn quả chủ lực của bản Mé Lếch (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn)

Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2022 của HTX Mé Lếch. 

Không chỉ có vậy, toàn bộ diện tích đồi trồng na đều được lắp đặt camera giám sát, áp dụng công nghệ thông minh trong việc tưới tiêu, điều chỉnh độ ẩm cho cây, giảm thời gian lao động trên đồi cho công nhân, tiết kiệm chi phí rất lớn. 

Sự thành công của HTX Mé Lếch được vang xa, hơn 600 cây na sầu riêng được chuyển giao để trồng thử nghiệm tại xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) theo chương trình hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Lào Cai và Sơn La giai đoạn 2021-2025, góp phần to lớn cho công cuộc xóa đói - giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đánh giá và ghi nhận về thành quả của HTX Mé Lếch, ông Nguyễn Khắc Hào - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, nhận xét: HTX Mé Lếch là một trong những HTX tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện và tỉnh. Hiện nay, na là cây ăn quả chủ lực của địa phương, giúp cho nông dân có thể xoá đói giảm nghèo, tiếp tục nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. 

Mạnh Hùng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu