05:01 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo qua mạng dịp cuối năm

10:21 22/12/2022

(THPL) - Thời gian qua, nhiều người liên tục nhận được điện thoại của các đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo trúng thưởng hoặc có khoản tiền chuyển đến bị treo, mở thẻ tín dụng, nâng mức hạn thẻ... “dụ” nạn nhân cung cấp thông tin, mã OTP. Chỉ cần nghe theo là tiền trong tài khoản bốc hơi ngay lập tức.

Dù các ngân hàng và phương tiện truyền thông liên tục đưa tin cảnh báo lừa đảo nhưng vẫn có nhiều người dân sập bẫy kẻ xấu. 

Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) thông tin, đơn vị đã phát hiện một chiến dịch mới về tấn công người dùng một số ngân hàng ở Việt Nam nhằm đánh cắp thông tin danh tính và tài khoản. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 14/11/2022 tới nay.

Phương thức kẻ gian thực hiện chiến dịch là sử dụng tin nhắn văn bản (SMS) hoặc gọi điện tới thuê bao của người dùng. Chúng tiếp cận bằng cách thông báo về chương trình nâng cấp hạn mức thẻ (tín dụng), sau đó gửi đường dẫn chuyển hướng tới website mạo danh ngân hàng. Tại đây, nạn nhân sẽ phải cung cấp các thông tin liên quan tới danh tính, tài khoản để được nâng hạn mức trực tuyến mà không phải đến ngân hàng làm thủ tục hay giấy tờ như thông lệ.

Người dân cần cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua mạng dịp cuối năm. Ảnh minh hoạ

Chuyên gia bảo mật của NCSC nhận định, dịp cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao nên nhiều người lựa chọn phương án tiêu dùng trước trả tiền sau thông qua hình thức thẻ tín dụng. Nắm được tâm lý đó, kẻ gian bắt đầu một chiến dịch lừa đảo mới nhắm tới nhóm khách hàng vừa có nhu cầu chi tiêu, vừa đang sở hữu hạn mức tín dụng.

Các đối tượng đứng sau chiến dịch này thường xuyên tắt máy chủ sau khi hoàn thành mục tiêu và chỉ mở lại khi cần. Điều này nhằm giảm rủi ro bị truy tìm, đánh chặn bởi các chuyên gia bảo mật cũng như cơ quan quản lý. Hiện tại số lượng tên miền (domain) bị phát hiện có liên quan tới chiến dịch trên đã tới vài chục và tiếp tục kéo dài.

Càng cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, thì tình trạng lừa đảo cũng gia tăng và cách thức ngày càng tinh vi. Đơn cử như các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, hoặc qua giới thiệu từ những người đã từng được vay tiền của nhóm đối tượng để tư vấn cách thức "vay tiền nhanh, chỉ cần CMND/CCCD” “vay tiền không cần thanh toán lãi” thông qua việc mua hàng trả góp.

Sau đó, chúng "gợi ý" nạn nhân đến cửa hàng điện máy để mua hàng trả góp và hỗ trợ khoản tiền trả trước. Với mỗi hợp đồng trả góp thành công, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân một số tiền nhỏ để thu mua sản phẩm, đồng thời lấy sản phẩm bán ra ngoài để chiếm đoạn số tiền chênh lệch (khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng, tùy theo giá trị của sản phẩm).

Sau khi sập bẫy, các nạn nhân sẽ mất một khoản phí cao cho chính những kẻ lừa đảo, đồng thời gánh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền trong hợp đồng trả góp tại các công ty tài chính.

Để tránh tiền mất tật mang, chuyên gia khuyến cáo người dùng tuyệt đối không nhấn, truy cập vào các đường dẫn lạ cũng như không cung cấp thông tin danh tính, giấy tờ quan trọng, số điện thoại, tài khoản ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Khi có vấn đề nên gọi ngay cho ngân hàng nơi bạn đang sử dụng dịch vụ, đồng thời báo tới cơ quan chức năng về các trường hợp nghi vấn lừa đảo.

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu